Truy cập nội dung luôn

Tin tức ngành Tin tức ngành

« Quay lại

Vinatex kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết vượt khó khăn

Chiều 12/01, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

 

Toàn cảnh buổi tổng kết tại ba điểm cầu

 

Chủ trì hội nghị có ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; cùng dự có lãnh đạo HĐQT, Cơ quan điều hành, lãnh đạo các ban chức năng, lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên và đại diện cổ đông lớn SCIC, Itochu.

 

Báo cáo về những kết quả đạt được, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng vừa trải qua năm 2023 với những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các thị trường chính đều giảm như tại thị trường Mỹ giảm 19%, EU giảm 14%. Ngoài ra, ngành Dệt May Việt Nam còn chịu bất lợi về tỷ giá, chi phí lao động cao hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia.

 

Trong bối cảnh đó, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng. Các doanh nghiệp trong hệ thống nỗ lực, kiên cường bám trụ hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường. Kết quả, năm 2023 Vinatex có doanh thu hợp nhất 17.018 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, lợi nhuận  377 tỷ đồng đạt 101,9% kế hoạch.

 

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex báo cáo kết quả đạt được năm 2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024

 

"Điểm nổi bật trong năm 2023 đó chính là việc dự báo và chỉ đạo kịp thời cho các doanh nghiệp khi thị trường biến động mạnh, đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục của toàn hệ thống. Ổn định lực lượng lao động. Tiếp tục duy trì và bảo toàn năng lực cạnh tranh và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kiên định mục tiêu trở thành một điểm đến cung ứng giải pháp xanh toàn diện cho ngành dệt may – thời trang. Năng lực quản trị tập trung từ Tập đoàn đến cơ sở thông qua số hóa và các ban kinh doanh được nâng cao rõ rệt. Hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2023 trong bối cảnh kinh doanh hết sức khó khăn, lần đầu tiên sau 30 năm kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm 11%. Kiên trì chương trình chuyển đối số, đào tạo cán bộ các cấp trong toàn Tập đoàn" – Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

 

Phim phóng sự tổng kết Tập đoàn năm 2023, nhiệm vụ giải pháp năm 2024

 

Năm 2024 kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm, GDP ước đạt 2,9%. Tổng cầu dệt may thế giới dự kiến đạt 714 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022. Cùng với đó, chi phí đầu vào tăng do giá điện, giá cước vận tải, lương tối thiểu tăng. Trong bối cảnh đó, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023, lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Để thực hiện được kế hoạch trên, nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex sẽ là tiếp tục đảm bảo duy trì ổn định mọi nguồn lực, giảm tổn thất xuống mức tối thiểu. Quản trị chặt chẽ dòng tiền, có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị không để mất khả năng thanh toán. Cải thiện công tác tổ chức sản xuất, đảm bảo hiệu quả tối ưu. Cải thiện mô hình tổ chức, đào tạo nhân lực, hoàn thiện hệ thống số hóa quản trị sản xuất, đầu tư chiều sâu để đón đầu cơ hội. Chú trọng công tác quản trị rủi ro trên toàn hệ thống.

 

"Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng và triển khai hệ thống quản trị rủi ro Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Bám sát và cập nhật tình hình thị trường và nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ 1 tháng một lần để các đơn vị thành viên có thể định hướng hoạt động SXKD. Tăng cường vai trò của các Ban kinh doanh trong việc quản trị hoạt động SXKD của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị gặp nhiều khó khăn về thị trường và quản trị sản xuất. Xây dựng cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, ưu tiên các "điểm nóng" cần xử lý ngay, không để gián đoạn sản xuất, người lao động phải nghỉ việc. Kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị trọng yếu, chỉ đạo, hỗ trợ một cách kịp thời, liên tục. Tăng tốc triển khai công tác đào tạo nội bộ cho cán bộ quản lý, cán bộ trẻ có năng lực nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Nhanh chóng đưa vào hoạt động hệ thống chuyển đổi số quản trị tài chính và nhân lực, phần mềm quản trị hoạt động SXKD sợi, tạo nền tảng quản trị thống nhất, minh bạch, tức thời tại Tập đoàn và một số đơn vị" – ông Cao Hữu Hiếu cho biết.

 

Định hướng hoạt động năm 2024, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, năm 2023 tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp so với các năm chỉ khoảng 5%. Trong đó khu vực công nghiệp chỉ tăng 7,3% thấp hơn mức trung bình 11% hàng năm. Đối với dệt may từ tháng 1 giảm 38,5% so với năm 2022 và đến cuối năm thì mức độ giảm còn khoảng 11%. Thị trường có khá lên nhưng chưa bền vững. Đối với ngành sợi có một điểm mới trong năm 2023 là sản lượng, vận hành lớn hơn năm 2022 do Trung Quốc đóng cửa.

 

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex định hướng hoạt động năm 2024

 

Năm 2024, cả IMF, Chartered bank đều đưa ra dự báo đồng Euro, Bảng Anh, Yên Nhật đều lên giá so với đồng Đô la Mỹ. Trong bối cảnh đó, đồng Việt Nam cũng khó có xu thế giảm giá mạnh so với đồng Đô la. Dự báo, thị trường dệt may Mỹ có thể tăng trưởng từ 8-10% về nhu cầu. Tổng cầu có xu hướng cải thiện so với năm 2023 nhưng còn nhiều bất định phụ thuộc vào diễn biến thị trường ở Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Với mức độ cải thiện kinh doanh của Quý 4, giảm nhanh tồn kho thì có những hy vọng về đơn hàng ngành may sớm trở lại. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phải đối diện với 2 thách thức đó là hiệu suất khai thác các nhà máy ở trong nước của Trung Quốc vẫn còn thấp nên về chính sách vĩ mô họ sẽ tăng cường sản xuất trong nước hạn chế nhập khẩu. Đối với ngành sợi kết quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào mức độ chính sách của Trung Quốc. Giá nguyên liệu bông, xơ sẽ thấp trong nửa đầu năm 2024.

 

Bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp kiên định – kiên cường – dũng cảm – sáng tạo – đoàn kết thì cần bổ sung hai giá trị mới với những người là cán bộ quản lý vốn của Tập đoàn tại các đơn vị là: Trung thực – trung thành – trung hậu và Chủ động quản trị rủi ro toàn diện, đa dạng thị trường. Tôn chỉ, định hướng trong giai đoạn này chính là quản trị biến động, cập nhật dự báo, hệ thống linh hoạt và đa dạng thị trường. "Trong năm 2024, HĐQT Tập đoàn sẽ chỉ đạo hoàn thiện các quy định nội bộ, tập trung cẩm nang quản trị rủi ro toàn diện tại doanh nghiệp có vốn Tập đoàn. Xây dựng Quy tắc ứng xử, quy hoạch đào tạo, phương án sử dụng người đại diện vốn phù hợp yêu cầu phát triển của Tập đoàn trong đề án tái cơ cấu. Nghiên cứu triển khai chiến lược, đầu tư, phát triển người đại diện vốn" – ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

 

Tại buổi tổng kết, ông Đặng Vũ Hùng – Thành viên HĐQT Vinatex; ông Nguyễn Đức Trị – Phó Tổng Giám đốc Vinatex, Trưởng Ban SXKD May; ông Bùi Văn Tiến – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến; ông Vương Đức Anh Chánh Văn phòng HĐQT; ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó Ban SXKD Sợi; ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP; ông Trần Hữu Phong – Chủ tịch Công ty CP Vinatex Phú Hưng đã trình bày tham luận, thảo luận về dự báo thị trường và kế hoạch chương trình hành động năm 2024…

 

Đại diện các ban chức năng, lãnh đạo doanh nghiệp tham luận, thảo luận tại buổi tổng kết

 

Kết luận buổi tổng kết, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, tất cả các dự báo đưa ra trong hội nghị đều nhận định tình hình thị trường năm 2024 không có nhiều điểm tích cực. Doanh nghiệp cần xác định tâm thế tốt nhất để ứng phó với khó khăn vì quý 1 năm nay sẽ chưa có nhiều triển vọng so với quý 4 năm 2023. Ngành may dự báo từ quý 3 năm 2024 mới có tiến triển tốt. Ngành Sợi qua quý 4 mới có thể phục hồi. Trong giai đoạn bất định như vậy cần làm tốt công tác dự báo, bám sát thị trường, linh hoạt để thay đổi theo tín hiệu của thị trường. Những giải pháp và sáng tạo đều đã được áp dụng cho năm 2022, 2023 vì vậy nhiệm vụ trong tâm trong năm 2024 là tập trung thực hiện tốt nhất những giải pháp đã đề ra trên cơ sở tiếp tục theo dõi dự báo tình hình để ứng phó kịp thời.

 

Năm 2024 cần triển khai 5 nhiệm vụ, đó là:

 

Thứ nhất: về công tác dự báo thị trường, các đơn vị cần chuẩn bị đội ngũ, xây dựng chiến lược bài bản, xác định phân khúc sản phẩm, thị trường và khách hàng mới.

 

Thứ hai: phải đảm bảo dòng tiền để giúp các doanh nghiệp có thể cầm cự chờ thị trường quay trở lại. Quản trị chặt chẽ công nợ, cân nhắc thời điểm mua nguyên liệu, bán sản phẩm, xây dựng kế hoạch tài chính là nhiệm vụ cần làm ngay.

 

Thứ ba: tái cơ cấu khi xác định khó khăn kéo dài, các biện pháp thông thường không hiệu quả thì cần phải rà soát lại cơ cấu mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa lao động gián tiếp, xem xét lại khâu đầu tư đảm bảo hiệu quả cao hơn, đáp ứng tiêu chí xanh.

 

Thứ tư: tìm điểm đột phá xác định rõ đơn vị có khả năng phát triển một dòng sản phẩm chuyên biệt hoặc thị trường mới hay không. Nếu có cần phải hành động quyết liệt, tốc độ để nhanh chóng vươn lên dẫn đầu. Khả năng phát hiện và đón đầu xu hướng luôn là bí quyết của thành công.

 

Thứ năm: phải giữ tinh thần tỉnh táo và đoàn kết. Cái khó của lãnh đạo trong thời điểm này là phải nhanh chóng đưa ra quyết định nhưng phải dựa trên sự suy xét đầy đủ, khách quan. Bên cạnh đó hoạt động quản trị phải thực sự minh bạch, chiến lược phát triển của đơn vị phải được bàn bạc thống nhất và tuyên truyền sâu rộng để đạt được sự thấu hiểu trong trong toàn thể lãnh đạo và người lao động. Trong toàn hệ thống lãnh đạo phải phát huy vai trò nêu gương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

 

"Trong giai đoạn khó khăn cần hoạt động với năng lực thấp để bảo toàn lực lượng chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phục hồi nhanh chóng khi có cơ hội. Đây cũng là một khoảng lặng để chúng ta có thể nhìn lại mình, tìm ra những điểm cần cải thiện trong hệ thống, xác định những hoạt động kém hiệu quả, tăng cường năng lực về máy móc thiết bị và con người. Khó khăn sẽ không tồn tại mãi. Chúng ta tin tưởng vào một năm Giáp Thìn 2024 có thể còn nhiều bất ổn nhưng chứa đựng nhiều tín hiệu tích cực hơn. Để vượt qua thử thách này, con đường duy nhất của toàn hệ thống Vinatex là kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết để có thể đề ra và triển khai mọi hoạt động một cách linh hoạt, nâng cấp hệ thống với định vị mới phù hợp với diễn biến của thị trường và phù hợp với định hướng cung cấp trọn gói sản phẩm thời trang xanh của Vinatex" – Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận định.

 

Cũng tại buổi tổng kết, lãnh đạo Tập đoàn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Mai Văn Thiên – Phó Trưởng ban Quản lý nguồn Nhân lực Vinatex; quyết định khen thưởng cho các đơn vị có thành tích trong SXKD năm 2023 với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.

 

Theo Vinatex

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

thư viện video thư viện video

Liên kết website Liên kết website