Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

Dự thảo sửa đổi Luật Việc làm: một số điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp - người lao động cần biết

Sau 10 năm thực hiện, Luật Việc làm năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhìn từ thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang trong quá trình sửa đổi, do vậy một số nội dung liên quan đến Luật Việc làm năm 2013 cũng cần bổ sung, sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Việc làm và đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân và xã hội từ cuối tháng 3/2024. Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi gồm 8 chương, 145 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều), trong đó gồm 11 nội dung lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Trong những nội dung này có một số điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động cần biết như sau:

 

Hội thảo lấy ý kiến góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật việc làm sửa đổi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức

 

1. Một số điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động

 

1.1. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

 

Theo Luật Việc làm năm 2013, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ được hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong khi đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

 

Do đó, dự thảo sửa đổi Luật Việc làm đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm 3 nhóm sau.

 

Một là, người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên.

 

Hai là, người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

 

Ba là, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

 

1.2. Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

 

Luật Việc làm năm 2013 quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa bảo đảm tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ kết dư lớn. Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp..

 

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

 

 2. Một số điểm dự thảo sửa đổi Luật Việc làm chưa được sửa đổi hoặc sửa đổi theo hướng hạn chế quyền lợi của người lao động

 

Trong dự thảo sửa đối Luật Việc làm, bên cạnh một số điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng quyền lợi, thì vẫn còn một số nội dung hạn chế quyền lợi của người lao động, cụ thể là:

 

2.1. Không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đủ 12 tháng

 

Các trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng dư. Quy định này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH và Luật Việc làm năm 2013, không quy định việc bảo lưu hay không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dư. Tuy nhiên, dự thảo đã đưa nội dung này quy định tại Điểu 103, cụ thể là: "sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vượt quá 144 tháng không được bảo lưu".

 

Nếu so sánh quy định này với quy định về chính sách bảo hiểm xã hội trong trường hợp thời gian đóng dài, mức đóng cao tương ứng với mức hưởng lương hưu cao, đồng thời số dư năm đóng bảo hiểm được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thì quy định bảo hiểm thất nghiệp với thời gian đóng dù ngắn hay dài, mức hưởng là như nhau (60%) và tối đa hưởng chỉ 12 tháng, thời gian đóng dư không được bảo lưu. Như vậy, quy định này không theo hướng tăng quyền lợi của người lao động và chưa có tính hấp dẫn người lao động về bảo hiểm thất nghiệp.

 

2.2. Giữ nguyên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

Dự thảo sửa đổi Luật Việc làm giữ nguyên quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề, trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thực tế hiện nay, đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp. Do đó, mức trợ cấp thất nghiệp chưa đáp ứng được chi phí sinh hoạt thực tế của người lao động, để người lao động tiếp tục tìm công việc mới, quay trở lại thị trường lao động.

 

2.3. Bổ sung thêm trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, theo đó việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được chia thành hai trường hợp, phải báo trước và không cần phải báo trước. Đối với người lao động, có việc làm và thu nhập luôn là mục tiêu quan trọng nên khi phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thường là không thể có lựa chọn chọn nào khác tốt hơn (chẳng hạn cần thời gian chăm con ốm đau dài ngày hay bố mẹ già yếu, ốm đau, bệnh tật, hoặc công việc không còn phù hợp với điều kiện sức khỏe hay phải chuyển nơi ở sang địa phương khác...)

 

Có thể thấy rằng, Bộ luật Lao động năm 2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc chủ động và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và đây như một quyền quan trọng của người lao động. Luật Việc làm năm 2013 quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định pháp luật không phân biệt trường hợp phải báo trước hoặc không cần phải báo trước đều thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi lại bổ sung quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp phải báo trước, thuộc đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, quy định này của dự thảo sửa đổi Luật Việc làm không chỉ hạn chế quyền lợi chính đáng của người lao động có đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà còn mâu thuẫn với tinh thần của Bộ luật Lao động.

 

3. Một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật Việc làm

 

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì xây dựng dự luật) đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, các địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội và người lao động đối với dự thảo sửa đổi Luật Việc làm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cơ sở kết quả đánh giá phân tích thực tiễn và khảo sát, lấy ý kiến đóng góp của người lao động từ các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, trong đó có cả góp ý của người lao động Công đoàn Dệt May Việt Nam, đã kiến nghị một số nội dung sau:

 

Một là, đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Cơ sở đưa ra kiến nghị là phần lớn doanh nghiệp hiện nay đóng cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên 60% tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp rất thấp. Với tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó theo thống kê của công đoàn, chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.

 

Hai là, sửa đổi thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng không quy định cứng tối đa 12 tháng. Mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ lao động nghỉ việc từ khoản đã đóng góp vào Quỹ theo nguyên tắc đóng - hưởng. Do đó, việc giới hạn thời gian hưởng tối đa 12 tháng dễ dẫn tới người lao động làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ để hưởng trợ cấp cho đỡ thiệt thòi, thậm chí rút bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến doanh nghiệp mất đi lao động lâu năm bởi tâm lý chung của người lao động là không nhìn thấy quyền lợi thì không tiếp tục tham gia và dễ lựa chọn hình thức bảo hiểm khác. Do vậy, Tổng Liên đoàn kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hoặc phần bảo hiểm thất nghiệp đóng dư có thể chuyển sang chế độ khác của bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu; hay bổ sung quyền lợi cho lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 trở đi (chẳng hạn người đóng dư 12 tháng được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp). Bên cạnh đó, có chính sách vay vốn ưu đãi cho người lao động có thời gian đóng dư để duy trì sinh kế khi gặp rủi ro về việc làm.

 

Một thực tế khác là hiện nay nhiều người lao động sắp đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng xin nghỉ việc sớm để hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm tránh quy định người hưởng lương hưu không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp, Tổng Liên đoàn đề xuất chi trả 50% số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào.

 

Ba là, xem xét lại quy định các đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đối với người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp phải báo trước làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Bởi vì, trong quan hệ lao động, người lao động luôn là bên yếu thế, do đó, với quy định này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp dùng nhiều cách thức để ép người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như đẩy cao KPI, trừ lương thưởng nếu không đạt....

 

Bên cạnh đó, việc dự thảo quy định loại trường hợp bị sa thải, xử lý kỷ luật buộc thôi việc ra khỏi nhóm được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp tình hợp lý. Bởi người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc là trường hợp khó tìm việc làm ngay để đảm bảo cuộc sống, nên nếu không tìm được việc, lại không có trợ cấp thất nghiệp, họ sẽ lâm vào khốn khó. Do đó, Tổng Liên đoàn cũng kiến nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định đối với cả trường hợp người lao động bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm chia sẻ, đảm bảo cuộc sống người lao động khi mất việc làm.

 

Dự thảo Luật Việc làm sẽ tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp. Người lao động có quyền hy vọng dự thảo sửa đổi Luật Việc làm được thông qua, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động; hướng tới bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website