Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

Những quy định chi tiết về điều kiện lao động và quan hệ lao động theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020

Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 145) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số các nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động bao gồm: trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc; tiền lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

 

 

1. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc (Điều 8, Nghị định 145/2020/NĐ-CP)

 

Theo quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại điều này, có một số nội dung mới cần quan tâm, cụ thể là:

 

- Khoản 2 quy định về trường hợp thời gian làm việc của NLĐ để tính trợ cấp mất việc ít hơn 24 tháng thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ ít nhất bằng 02 tháng tiền lương (quy định cũ là ít hơn 18 tháng).

 

- Điểm a, khoản 3 bổ sung thêm quy định về một số thời gian để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là: thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được NSDLĐ trả lương.

 

- Khoản 4, hướng dẫn cụ thể về cách xác định thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trong một số trường hợp đặc biệt: Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước; Trường hợp NLĐ làm việc cho NSDLĐ theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau; Trường hợp NLĐ tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã theo phương án sử dụng lao động sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

 

- Khoản 6 quy định kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với NLĐ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của NSDLĐ.

 

2. Tiền lương (Chương VI, Nghị định 145)

 

Điểm đáng chú ý trong chương này là những hướng dẫn cụ thể và chi tiết về hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán (Điều 54); cách tính tiền lương làm thêm giờ (Điều 55), cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm (Điều 56) và tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm (Điều 57).

 

3. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (Chương VII, Nghị định 145)

 

Tại chương này, đã hướng dẫn về một số nội dung quy định của BLLĐ 2019 theo hướng tăng quyền lợi cho NLĐ như sau:

 

- Điều 58 quy định thêm một số loại thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương: i) Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động; ii) Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của NSDLĐ; iii) Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

 

 - Điều 59 hướng dẫn thực hiện quy định về sự đồng ý của NLĐ khi làm thêm giờ. Theo đó khi tổ chức làm thêm giờ (trừ việc làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt), NSDLĐ phải được sự đồng ý của NLĐ tham gia làm thêm về các nội dung: thời gian, địa điểm và công việc làm thêm và ban hành kèm theo mẫu văn bản đồng ý của NLĐ (Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV).

 

- Điều 61 quy định thêm 02 trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm: Cung ứng dịch vụ công; Công việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần.

 

- Điều 62 hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm thông báo về việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của NSDLĐ và ban hành kèm theo mẫu văn bản thông báo (Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV).

 

- Điều 63 hướng dẫn thực hiện quy định về ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca.

 

- Điều 64 quy định rõ: Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục được áp dụng đối với NLĐ làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm; NSDLĐ quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc; ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục mà nghị định đã đề cập, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.

 

- Quy định chi tiết và hướng dẫn về cách tính ngày nghỉ hằng năm trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 66); Tiền tàu xe, tiền lương trong thời gian đi đường, tiền lương ngày nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác (Điều 67) và một số công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (Điều 68).

 

4. Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (Chương VIII, Nghị định 145)

 

Điều 69 hướng dẫn rõ hơn một số nội dung về nội quy lao động như sau:

 

- NSDLĐ nếu sử dụng dưới 10 NLĐ thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.

 

- Quy định về quy trình tham khảo lấy ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ khi NSDLĐ khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động.

 

- Nội quy lao động sau khi ban hành phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có).

 

Hướng dẫn chi tiết và cụ thể đảm bảo tính kịp thời, chính xác và chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luât lao động (Điều 70); trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại (Điều 71); thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại (Điều 72); khiếu nại về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (Điều 73).

 

5. Lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới (Chương IX, Nghị định 145)

 

Trên tinh thần của BLLĐ 2019, Nghị định 145 đã đưa ra quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Cụ thể là:

 

- Quy định cụ thể về tiêu chuẩn của phòng vắt, trữ sữa mẹ (Điều 76) và nhà trẻ, lớp mẫu giáo (Điều 77).

 

- Quy định về quy trình tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ khi NSDLĐ quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ; NSDLĐ ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn (Điều 78).

 

- Điều 80 hướng dẫn thực hiện quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ, trong đó có một số nội dung mới theo quy định của BLLĐ 2019 như sau:

 

+ Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ và nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi:  trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ.

 

+Lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ cho lao động nữ: trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

 

6. Phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc (Mục 3, chương IX, NĐ 145)

 

Để tăng cường phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, BLLĐ 2019 đã có nhiều quy định mới bổ sung theo hướng bảo vệ NLĐ và cụ thể hóa các hành vi làm cơ sở cho việc xử lý. Nghị định 145 đã quy định chi tiết về vấn đề này như sau:

 

- Khoản 1, Điều 84, làm rõ hơn khái niệm về quấy rối tình dục quy định tại khoản 9, điều 3, BLLĐ 2019 có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

 

- Khoản 2, điều 84 nêu chi tiết các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm: hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; dùng ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

 

- Hướng dẫn các nội dung và nguyên tắc trong quy định của NSDLĐ về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 85).

 

- Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của NSDLĐ, NLĐ và tổ chức đại diện NLĐ (Điều 86).

 

Trên đây là một số nội dung đáng lưu ý trong quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLLĐ năm 2019 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Kể từ ngày 01/02/2021 Nghị định 145 có hiệu lực, 13 Nghị định hướng dẫn BLLĐ năm 2012 sẽ hết hiệu lực.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website