Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Người lao động ngành Dệt May Việt Nam cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc

Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu thương không bao giờ kết thúc. Đó là quà tặng, là điểm tựa vững chắc nhất đối với mỗi người. Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay, các cấp công đoàn ngành Dệt May Việt Nam đã có những hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh gia đình người lao động trong việc xây dựng gia đình "No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn mình" góp phần làm tốt công tác nuôi dưỡng và phát triển "tế bào" của xã hội.

 

Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống gia đình, là người thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, người xây dựng, vún vén, chăm lo tổ ấm, là nhân tố góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp. Trong khi đó, Dệt May là ngành có trên 70% là lao động nữ tuy nhiên nhận thức, trình độ của NLĐ hạn chế, thu nhập chưa cao. Chính vì vậy, công tác chăm lo xây dựng gia đình cho  NLĐ luôn được các cấp công đoàn của ngành Dệt May quan tâm. Xác định, gia đình của NLĐ có no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh khi đó NLĐ mới yên tâm công tác, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cho doanh nghiệp.

 

Căn cứ chương trình công tác mỗi năm, Công đoàn Dệt May đều có hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS cần chú trọng đến công tác bình đẳng giới, gia đình và trẻ em bằng  những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Tiếp nối năm 2019, năm nay nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Công đoàn Dệt May Việt Nam tôn vinh 28 "Gia đình tiêu biểu" với tổng kinh phí 56 triệu đồng. Đây sẽ là hoạt động thường niên của Công đoàn ngành nhằm chăm lo tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động.

 

Điểm mới của các gia đình tiêu biểu ngành Dệt May được biểu dương năm 2020, đại đa số là NLĐ trực tiếp, trong đó có 21/28 cặp vợ chồng cùng công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có công đoàn trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam.

 

Những gia đình tiêu biểu có cặp vợ chồng công tác trong ngành Dệt May cùng chung tay "Giữ lửa" 

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Dung- anh Cao Hữu Khiêm, cả hai hiện đang là công nhân Công ty Cổ phần Dệt May Đầu tư -Thương Mại Thành Công. Với thời gian công tác trên 20 năm trong ngành, anh chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hai con của anh chị chăm ngoan học giỏi: Cháu Cao Phương Kim tốt nghiệp Đại học đạt loại xuất sắc, hiện đang tiếp tục theo học Thạc sỹ tại Hàn Quốc. Mặc dù thu nhập của 2 vợ chồng trung bình được khoảng 15-17 triệu đồng/tháng nhưng cả hai cùng chung quan điểm "Đầu tư cho các con học tập là đầu tư đem lại lợi nhuận cao nhất". Chị Dung cho biết: Gia đình nhà mình đã có 3 thế hệ làm trong ngành Dệt May, và nhiều người thân đang công tác tại May Thành Công. Vậy nên, các con sau này nếu muốn tiếp tục nối nghiệp anh chị sẽ ủng hộ và sẵn sàng "tiếp sức". Tuy nhiên cả hai cùng tin tưởng các con sẽ là những lao động chất lượng cao, ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành Dệt May.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Dung- anh Cao Hữu Khiêm

 

Còn anh Lê Văn Cúc, công nhân Nhà máy May Veston Hòa Thọ- Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ chia sẻ: Có duyên với nghề nên công việc đã níu chân anh chị được gần 30 năm, trong đó 22 năm công tác cùng nhau tại Dệt May Hòa Thọ. Bao nhiêu năm công tác là bấy nhiêu năm anh chị được đồng hành và chứng kiến sự phát triển, đổi thay của doanh nghiệp. Mặc dù là những CNLĐ trực tiếp nhưng cả hai cùng được bạn bè, đồng nghiệp quý trọng vì tinh thần làm việc, sự kèm cặp giúp đỡ nhiệt tình đối với lao động trẻ mới vào nghề. Trong gia đình, cá nhân anh là người cha, đồng thời là người bạn; anh đã giành nhiều thời gian trong việc nuôi dạy các con. Năm học 2018-2019, con trai Lê Trần Thanh Toàn đạt giải 3 Hội thi tin học trẻ năm 2019 thành phố Đà Nẵng được Công đoàn Dệt May khen thưởng.

 

Gia đình anh Lê Văn Cúc

 

Không giống gia đình chị Dung, anh Cúc, đôi vợ chồng công nhân trẻ Nguyễn Phát Đạt - Lê Thị Quỳnh (Tổng Công ty Việt Thắng) được lãnh đạo, công đoàn cơ sở và NLĐ công ty đánh giá là một trong số các gia đình trẻ có sức ảnh hưởng tới CNLĐ trẻ bởi tinh thần vượt khó. Trong công việc anh có nhiều sáng kiến, giải pháp đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp. Năm 2017 anh đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Bằng lao động sáng tạo. Trong cuộc sống thường nhật, anh và người bạn đời cùng nhau xây dựng tổ ấm. Chồng quê Bến Tre, vợ quê Thanh Hóa lên thành phố lập nghiệp. Trước khi nên duyên chồng vợ cả hai đã từng là đồng nghiệp. Mặc dù hiện nay anh chị vẫn phải thuê nhà nhưng sau mỗi giờ tan ca, trong căn nhà trọ của đôi vợ chồng công nhân trẻ luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng cười của niềm vui và hạnh phúc.

 

Gia đình trẻ Nguyễn Phát Đạt - Lê Thị Quỳnh

 

Uớc muốn các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, các con chăm ngoan học giỏi, có việc làm tốt thu nhập ổn định để cuộc sống an yên, hạnh phúc là suy nghĩ rất đỗi đời thường của những người lao động đạt danh hiệu "Gia đình tiêu biểu" ngành Dệt May năm 2020: Đó là tinh thần vượt khó của những CNLĐ trẻ, sẽ tiếp tục đồng hành, tôn trọng quyết định của các con  khi muốn nối nghiệp mẹ cha; hay đơn giản hơn là gắn bó với nghề trừ phi "hết duyên"...của những người lao động như chị Dung, anh Cúc và anh Đạt ... thật đáng trân trọng.

 

 Và còn nhiều gia đình tiêu biểu ngành dệt may chưa có điều kiện được biểu dương trong bài viết này hoăc chưa được tôn vinh nhưng tất cả họ đều có một mẫu số chung: Vợ chồng cùng ngành nghề sẽ có sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ; động viên nhau cùng tiến bộ.  Hiện nay hệ thống ngành dệt may có nhiều cặp vợ chồng cùng công tác. Điểm xuất phát ban đầu với họ là những công nhân lao động trực tiếp nhưng bằng sự rèn luyện, phấn đấu họ đã trưởng thành thông qua lao động. Thật vui và tự hào khi trong cùng một gia đình cả hai cùng đảm nhiệm những vị trí trọng trách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Vậy nên ở cơ quan, doanh nghiệp họ là đồng chí, đồng nghiệp nhưng khi về đến gia đình họ là những người cùng chung tay nhóm và "giữ lửa" thì chắc chắn các gia đình sẽ có hạnh phúc đong đầy.

 

Đối với các công đoàn cơ sở, việc chăm lo cho gia đình NLĐ cũng được quan tâm chú trọng trong đó có một số đơn vị Như May Thành Công, Tổng Việt Thắng, May 10... hằng năm trao thưởng biểu dương nhân ngày Gia đình Việt Nam, các đơn vị khác không có điều kiện thì lồng nghép tại hội nghị của doanh nghiệp, công đoàn... Với NLĐ đây thực sự là món ăn tinh thần, sự động viên kịp thời giúp họ tin tưởng và gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 

Mỗi người lao động sẽ nỗ lực cùng người bạn đời "giữ lửa" cho tổ ấm của mình. Còn doanh nghiệp cùng các cấp công đoàn sẽ đồng hành cùng NLĐ trong chăm lo  và bảo vệ cho gia đình,  nhờ đó tạo nên những giá trị lớn lao, bền vững trong gắn kết gia đình, doanh nghiệp và xã hội, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho NLĐ. 

 

 

Một số giải pháp làm tốt công tác xây dựng gia đình:

 

Cuộc sống luôn có sự biến đổi, tư duy và quan điểm về xây dựng gia đình cũng sẽ biến đổi để phù hợp với quy luật. Tuy nhiên mỗi NLĐ có hoàn riêng; quan điểm và lựa chọn những giải pháp để xây dựng gia đình hạnh phúc cũng sẽ khác nhau. Cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cũng vậy tùy theo đặc điểm tình hình lựa chọn hình thức để triển khai thực hiện cho hiệu quả. Chính vì thế, trong phạm vi bài viết này xin phép được chia sẻ một số giải pháp như sau:

 

Thứ nhất:  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; ngăn chặn các tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập vào gia đình. Tiếp tục phát huy và kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của quy chuẩn gia đình trong xã hội phát triển.

 

Thứ hai: Phối hơp với lãnh đạo doanh nghiệp bố trí việc làm để người lao động có thu nhập, duy trì và ổn định cuộc sống gia đình. Chú trọng tới những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

 

Thứ ba: Duy trì các phong trào thi đua như lao động giỏi, lao động sáng tạo; Giải thưởng Nguyễn Thị Sen (đối với lao động nữ), giỏi việc nước, đảm việc nhà; gia đình văn hóa... để người lao động có cơ hội thể hiện năng lực bản thân cũng như là tấm gương tốt cho các thành viên của gia đình trong việc tự học để vươn lên.

 

Thứ tư: Xây dựng những mô hình thu hút đông đảo người lao động tham gia như: Gia đình dệt may,  hướng nghiệp cho con, CĐCS không có đoàn viên và NLĐ là người gây bạo lực gia đình... Ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc lập các nhóm Zalo, trang Facebook Fanpage... giúp các thành viên và NLĐ có điều kiện tiếp cận những thông tin mới nhất, chính thống nhất trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

 

Thứ năm: Nhân rộng điển hình làm tốt công tác gia đình trong CNVCLĐ nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

 

 

 

Nguyễn Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website