Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim - Bảo vệ trẻ em bằng hành động

Việt Nam là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Chính phủ luôn nỗ lực để thực hiện quyền trẻ em theo cam kết trong các công ước quốc tế và Mục tiêu Phát triển Bền vững đảm bảo cho trẻ em đều có quyền học tập, phát triển đầy đủ, được lắng nghe và tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến cuộc sống của các em.

 

Trẻ em đều có quyền học tập, phát triển đầy đủ, được lắng nghe và tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến cuộc sống của các em.

 

Luật Trẻ em năm 2016 đưa ra khung pháp lý để thực hiện các quyền của tất cả trẻ em ở Việt Nam phù hợp hơn với Công ước về Quyền Trẻ em. Một trong năm nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em là "Tôn trọng, lắng nghe, xem xét phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em". Đồng thời, luật quy định 25 nhóm quyền cơ bản để đảm bảo trẻ được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Bên cạnh các nhóm quyền được sống, được chăm sóc, được giáo dục, được học tập, được bí mật đời sống riêng tư... đã thể hiện bao trùm trong đó quyền được bảo vệ của trẻ thì còn có nhóm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; được bảo vệ khỏi chất ma túy, trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang. Để đảm bảo thực hiện các quyền được bảo vệ của trẻ, Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em được bảo vệ theo 03 cấp độ như sau:  

 

 - Cấp độ phòng ngừa: gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

 

 - Cấp độ hỗ trợ: bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.       

 

 - Cấp độ can thiệp: bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.      

 

Mặc dù, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và đô thị hóa tốc độ nhanh đã dẫn đến gia tăng thất nghiệp, gia đình tan vỡ, xói mòn các giá trị truyền thống…Cùng với đó, ở Việt Nam hệ thống bảo vệ trẻ chưa được hoàn thiện và còn bộc lộ những hạn chế dẫn đến tình trạng gia tăng trẻ em bị bỏ rơi, xao nhãng, lạm dụng, xâm hại và tội phạm vị thành niên. Tại bảo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV đưa ra những con số rất đáng quan tâm:

 

- Trong giai đoạn từ 1/2015 - 6/2019: có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác

 

- Gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song kết quả khảo sát cho thấy nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỉ lệ cao. Theo thống kê tổng số các cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 , số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%. Các vụ xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển.

 

Hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em. Theo dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Trong các nguyên nhân, bên cạnh công tác tuyên truyền về các điều Luật chưa đúng trọng tâm, trọng điểm thì sự gắn kết gia đình ngày càng lỏng lẻo cũng dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

 

Gia đình phải là nơi yêu thương và an toàn nhất đối với các em. Vậy làm thế nào để trẻ em được yêu thương, chăm sóc và an toàn trong chính gia đình mình? Điều này đòi hỏi cha mẹ của trẻ cần phải có kiến thức và kỹ năng chăm sóc và bảo vệ con.

 

Người lao động ngành Dệt May với đặc thù nghề nghiệp phải thường xuyên làm việc ca kíp, tăng ca, làm thêm giờ nên với những người đã có gia đình, đã có con có rất ít thời gian dành cho con. Mặc dù, nhiều người rất muốn có thêm kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con nhưng không thể sắp xếp thời gian để tham gia các buổi tập huấn, các buổi tọa đàm... Hy vọng rằng bài viết này cung cấp thêm thông tin, kỹ năng về lắng nghe và hành động bảo vệ con trước các rủi ro, nguy cơ có thể gặp phải trong cuộc sống cho các bậc cha mẹ - người lao động trong ngành.

 

- Lắng nghe bằng trái tim: là mong muốn của rất nhiều trẻ em khi các con được bày tỏ tại các Diễn đàn cho trẻ em được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hàng năm. Cha mẹ thường có xu hướng áp đặt những kinh nghiệm, tri thức, ý kiến chủ quan và thói quen phán xét ngay lập tức trước bất cứ việc gì xảy ra xung quanh trong giao tiếp hàng ngày với con mà thiếu đi sự lắng nghe, chia sẻ với con. Lâu dần trẻ em với vị thế yếu đuối và phụ thuộc vào cha mẹ chỉ có thể chấp nhận hoặc phản ứng tiêu cực như cãi lại, im lặng và khép mình. Sự mệt mỏi căng thẳng trong cuộc sống hiện tại đã làm cha mẹ mất đi khả năng suy nghĩ một cách thấu đáo, khả năng lắng nghe để con được bày tỏ và thấu hiểu con. Lắng nghe con bằng một trái tim yêu thương, rộng mở, không định kiến, thì cha mẹ mới có thể phát hiện ra sự thật bên trong những hành động phản ứng ra bên ngoài của con. Lắng nghe con không chỉ giúp cha mẹ rộng mở tâm trí mà còn giúp cha mẹ có thể học hỏi không ngừng trên hành trình làm cha mẹ.

 

Đón con tan học miền sông nước

 

- Bảo vệ bằng hành động:

 

+ Trò chuyện và tạo sự gần gũi: chính là một trong những cách bảo vệ tốt nhất của cha mẹ với với con. Gần gũi và trò chuyện hàng ngày với con sẽ giúp cha mẹ gần con và hiểu rõ những việc xảy ra với con hàng ngày.

 

+ Kỹ năng an toàn và phòng chống tai nạn, thương tích: cha mẹ cần chú ý đến các bước phát triển của trẻ để dạy con về sự an toàn và những nguy hiểm có thể xảy ra trong nhà, trong trường học, trong các hoạt động ngoài trời và nơi công cộng: i)Tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ: chú ý đến các mối nguy hiểm từ những đồ vật trong gia đình như phích nước, ổ điện, thiết bị bếp, cầu thang và những đồ vật nhỏ để bố trí, sắp xếp phù hợp; ii) Dạy con kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông: trò chuyện để con hiểu được một số loại biển báo cơ bản, đèn giao thông, vai trò người điều hành giao thông, cách sang đường, cách đi qua các ngã ba, ngã tư...); iii) Kỹ năng ứng xử khi bị lạc: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì? Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà. trong trường hợp trẻ con nhỏ nên để trong balo, hoặc túi áo, quần mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp; iv) Kỹ năng phòng chống đuổi nước: cho con học bơi và tìm hiểu thông tin về thoát hiểm khi bị đuối nước, sơ cứu đuối nước; v) Kỹ năng phòng chống hỏa hoạn và thoát hiểm trong đám cháy: dạy con cách sử dụng bếp điện, gas, thiết bị xăng dầu, các kỹ năng thoát hiểm an toàn khi có hỏa hoạn và nếu có thể cho con tham gia các khóa học kỹ năng phòng chống hỏa hoạn;

 

+ Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn: i) Hướng dẫn con cách kiểm soát thông tin cá nhân trên mạng xã hội: không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không kết bạn, gặp gỡ người lạ trên mạng xã hội, không dùng chung mật khẩu; ii) Thống nhất với con về thời gian sử dụng internet trong ngày: iii) Dạy con có trách nhiệm trên môi trường trực tuyến: trước khi con muốn chia sẻ bất cứ điều gì trên mạng xã hội, con nên suy nghĩ kỹ hoặc nếu cảm thấy cần thiết có thể trao đổi với cha mẹ; vi) Khuyến khích con vào các hoạt động trải nghiệm thực tế: tham gia các hoạt động ngoại khóa, luyện tập thể thao, khóa học nghệ thuật (âm nhạc, vẽ...); v) Sử dụng công nghệ làm bàn với con: kết bạn với con trên mạng xã hội sẽ giúp cha mẹ hiểu nhanh tâm tư của con nhưng cha mẹ tuyệt đối không được nhắc nhở, phán xét con trên mạng xã hội, nhờ con hướng dẫn hoặc hỗ trợ sử dụng công nghệ mới.

 

+ Kỹ năng phòng ngừa và xử lý tình huống trẻ bị bắt cóc, xâm hại: i) Tìm hiểu những cách thức có thể trò chuyện cởi mở với con cái về cơ thể, về giới tính và những giới hạn cần thiết để được an toàn. ii) Dạy con cách ứng xử với người lạ: không nhận quả bánh và không đi cùng người lạ, dạy con các kỹ năng nếu thấy có người lạ đi theo hoặc kéo con đi theo; iii) Nhận biết các dấu hiệu bất thường của trẻ trên cơ thể trẻ và những dấu hiệu tâm lý; Giảm thiểu tối đa các tình huống có thể tạo điều kiện để trẻ bị bắt cóc hoặc xâm hại: không để trẻ một mình hoặc phó mặc cho nhà trường, cho bất kỳ người nào; vi) Phản ứng một cách có trách nhiệm: khi trẻ tiết lộ việc bị xâm hại, cha mẹ không nên phản ứng một cách hoảng sợ, giận dữ, không tin tưởng. Cha mẹ cần bình tĩnh và chia sẻ cảm xúc, công nhận con đã trải qua tình cảnh khó khăn và cho con biết cha mẹ luôn ở bên con giúp đỡ và chăm sóc con. Cha mẹ cần báo vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền và yêu cầu giữ bí mật thông tin cá nhân, yêu cầu cán bộ tiếp xúc với trẻ phù hợp và cần kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất, tâm lý. Nếu có thể, hãy nhờ luật sư giúp đỡ gia đình khi tiếp xúc với các cơ quan điều tra, báo chí. Nếu gia đình khó khăn, cha mẹ cần liên hệ với các tổ chức xã hội, nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ gia đình và tìm kiếm các nguồn lực trợ giúp từ cộng đồng hỗ trợ trẻ và các vấn đề liên quan.

 

Trong nhiều năm qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam và các công đoàn cơ sở luôn chú trọng đến công tác chăm lo cho trẻ em là con của người lao động trong ngành bằng nhiều những hoạt động thiết thực trong các dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6,  Trung thu và những ngày lễ hàng năm như tổ chức gặp mặt, tặng quà, khen thưởng và tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm...Cùng với đó, các cấp công đoàn còn tổ chức các hoạt động truyền thông, các buổi tọa đàm về nuôi dạy con nhằm trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cho người lao động trong chăm sóc và giáo dục con cái. Trong thời gian tới, Công đoàn ngành và các công đoàn cơ sở sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức chuyên môn để có những đổi mới trong xây dựng nội dung, tổ chức các hoạt động và cung cấp những kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cho người lao động trong ngành nhằm giúp cho con em của người lao động được rèn luyện các kỹ năng sống và ứng phó được với các tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình người lao động.

 

Trẻ em cần được an toàn trong gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Do đó, mỗi gia đình, mỗi nhà trường, mỗi cơ quan, tổ chức và các cấp chính quyền cần phải hành động thường xuyên, liên tục với những phương thức, biện pháp phù hợp hơn. Một trong những điều căn cốt nhất cần phải thay đổi, đó là nhận thức. Nhận thức đúng đắn thì mới có hành động đúng đắn. Nguy cơ có thể đe dọa sự an toàn của trẻ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, môi trường nào, quan hệ nào nên trẻ cần được yêu thương, quan tâm, lắng nghe bằng trái tim và bảo vệ mọi nơi, mọi lúc bằng hành động.

 

Bích Trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website