Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phổ biến pháp luật tới đoàn viên và NLĐ tại các CĐCS

Dệt May Việt Nam là ngành đông lao động nhất so với các ngành trên cả nước, điều kiện làm việc còn có những hạn chế, thời gian làm việc nhiều, thu nhập chưa cạnh tranh, NLĐ chủ yếu xuất thân từ nông thôn, trình độ nhận thức còn thấp, tác phong công nghiệp chưa cao, là ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xung đột quan hệ lao động.

 

Cán bộ Công đoàn ở các DN chủ yếu hoạt động dựa trên sự nhiệt tình, không nhiều người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm công tác liên quan đến pháp luật, bởi vậy còn nhiều lúng túng trong việc tham gia xây dựng, giám sát thực hiện các chế độ chính sách và xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.

 

Vì vậy, việc giúp cho cán bộ của CĐCS và NLĐ nâng cao trình độ, kỹ năng nói chung và hiểu biết pháp luật nói riêng là điều vô cùng quan trọng. Cụ thể:

 

Với người lao động, việc nắm vững các quy định của pháp luật sẽ nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật; khó bị lôi kéo, kích động, dụ dỗ. Hiểu biết pháp luật còn giúp NLĐ xác định đúng vị thế, quyền lợi đi kèm với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi đúng mực, làm giảm đi những xung đột trong quan hệ lao động; đồng thời xác định được những trường hợp bản thân bị vi phạm pháp luật, từ đó tăng khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho mình.

 

Với cán bộ công đoàn, việc nắm vững các quy định của pháp luật sẽ thúc đẩy hiệu quả công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thông qua đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để giải quyết kịp thời, tại chỗ những vấn đề phát sinh; tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chế độ chính sách trong DN; tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý; bảo vệ, đại diện cho người lao động trong các vụ tranh chấp lao động, (nếu có).

 

Những việc Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tiến hành để triển khai, thực hiện công tác tư vấn pháp luật trong toàn hệ thống

 

Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của công tác tư vấn pháp luật, từ tháng 4/2017, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật với 05 thành viên, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, dưới sự chỉ đạo của Thường trực thường vụ với mục đích là trợ giúp pháp lý cho các công đoàn cơ sở và người lao động. Hình thức tư vấn là cung cấp các thông tin, tình huống pháp luật có thể phát sinh trong quan hệ lao động; vận dụng các quy định của pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội để tư vấn, giải quyết những vụ việc được CĐCS và NLĐ đề nghị giải đáp và gửi tới địa chỉ email của các đồng chí chủ tịch CĐCS cũng như đăng tải trên Cổng TTĐT.

 

Từ khi thành lập đến nay, văn phòng tư vấn pháp luật đã cung cấp 53 bản tin pháp luật với gần 250 thông tin, tình huống pháp luật cho các công đoàn cơ sở; tư vấn qua điện thoại và email 11 vụ việc liên quan đến chi trả trợ cấp thôi việc, giải quyết chế độ dôi dư, điều chuyển công việc, tạm ngừng hợp đồng lao động. Tại các đơn vị, bình quân hàng năm có trên 10.000 ngàn lượt người lao động được các CĐCS tư vấn pháp luật tại chỗ liên quan đến hướng dẫn ký hợp đồng lao động, soạn thảo đơn đề nghị các khoản trợ cấp ốm đau, thai sản, thủ tục xin nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động...

 

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, bộ máy tư vấn pháp luật, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

 

Mặc dù công tác tư vấn, phổ biến pháp luật trong hệ thống công đoàn Dệt May đã có nhiều chuyển biến tích cực; Tuy nhiên, cách thức triển khai còn đơn điệu, thiếu sức hút, khó nắm bắt. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, vì vậy các quan hệ phát sinh trong xã hội cũng như quan hệ lao động có nhiều biến động, dẫn đến các quy định của pháp luật cũng thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, nhu cầu tra cứu, tìm hiểu, cập nhật các quy định pháp luật của các đối tượng khác nhau đòi hỏi công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý phải đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp, bộ máy, con người làm công tác này. Các vấn đề cần được quan tâm là:

 

Thứ nhất: Tăng cường nội dung tư vấn pháp luật

 

Tuyên truyền, phổ biến Bộ luật lao động năm 2019: Tập trung vào những điểm mới của Bộ luật và những quy định có nhiều tác động đến lao động, việc làm của ngành.

 

Phổ biến các nội dung cơ bản của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, thi đua khen thưởng và những quy định pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ.

 

Thứ hai: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật

 

 

Tập huấn, tuyên truyền luật lao động cho cán bộ công đoàn tại Dệt May Thành Công

 

Hình thức trực tiếp: Tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung để phổ biến, trao đổi về các nội dung cần quan tâm; tư vấn pháp luật trực tiếp cho người có nhu cầu.

 

Hình thức online: Xây dựng các bản tin, tình huống, chuyên đề, sổ tay pháp luật, tài liệu tuyên truyền,… để phổ biến đến CĐCS và NLĐ qua email, Cổng TTĐT, Chương trình Truyền thanh Công đoàn. Thực hiện các video bài nói chuyện, bài giảng liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

 

Hình thức trực quan sinh động: Thiết kế, in ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tranh, ảnh, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

 

Thứ ba: Quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng làm công tác TVPL

 

Để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật, vấn đề mấu chốt và quan trọng là phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác này từ cấp ngành đến cấp cơ sở có đủ năng lực trình độ, chuyên môn pháp lý, am hiểu thực tiễn về ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành. Đồng thời, cần phải xây dựng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, mạng lưới tư vấn của các CĐCS để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nắm bắt, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh trong quan hệ lao động ngay tại  cơ sở.

 

Bên cạnh đó, người làm công tác tư vấn pháp luật cũng cần đặt tâm huyết và đạo đức nghề nghiệp vào trong công việc của mình, bởi TVPL sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức, hành vi, và cả trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, hậu quả pháp lý của các bên liên quan. Vì vậy, mỗi cán bộ khi được giao và nhận nhiệm vụ này phải luôn cố gắng để cung cấp những sản phẩm chất lượng, chứa đựng sự nghiêm túc, thấu đáo, khách quan; chứ không được qua loa, hời hợt, chắp vá, thậm chí sai sót. Đồng thời, phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc và thực thi nhiệm vụ trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Có như vậy, công tác tư vấn, phổ biến pháp luật mới được người lao động và CĐCS đón nhận, ủng hộ và thực sự là công cụ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.

 

***

 

Với những gì đề cập ở trên, hy vọng công tác tư vấn, phổ biến pháp luật trong hệ thống Công đoàn DMVN sẽ được cải thiện về chất. Tuy nhiên, như bất kỳ người làm nhiệm vụ pháp lý nào của ngành, đều mong công việc của mình chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, chia sẻ tình huống để nâng cao nhận thức chung. Bởi khi không phát sinh các vụ việc thực tế phải giải quyết, tức là việc làm, đời sống và quan hệ lao động trong ngành đang cơ bản hài hòa, ổn định, tiến bộ - và đó chính là điều các cấp công đoàn, doanh nghiệp và người lao động mong muốn hướng tới.

 

Thanh Hoàn

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website