Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Giải pháp nào cho công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp dệt may

Nghị quyết Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra mục tiêu, trong 5 năm toàn hệ thống bồi dưỡng, giới thiệu và được Đảng xem xét, kết nạp ít nhất 600 đoàn viên công đoàn ưu tú. Tại thời điểm này, trong không khí của những ngày Tháng 5 lịch sử, tháng công nhân, tháng của người lao động (NLĐ) và chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xin được chia sẻ một số giải pháp đối với công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp trực thuộc ngành Dệt May Việt Nam.

 

Lễ kết nạp Đảng viên tại Tổng Công ty May Hưng Yên

 

Theo số liệu báo cáo của các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, năm 2019 toàn ngành giới thiệu được 416 đoàn viên công đoàn cho tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng, trong đó có 243 đoàn viên ưu tú được kết nạp. Một số đơn vị kết nạp được gần 30 đảng viên trong năm là: Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định, Tổng công ty Đức Giang, Tổng công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội, Công ty May Nhà Bè... Các đơn vị khác trong hệ thống có tổ chức Đảng, đã phát triển được ít nhất 3 đảng viên,  trong khi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra "Hàng năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam". Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đạt hiệu quả và có  những khởi sắc. Điều đó được bắt nguồn từ các yếu tố:

 

Mặc dù là một ngành có số lượng lao động lớn với nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, song trong 5 năm qua, cả hệ thống không xảy ra việc ngừng việc tập thể, bởi lẽ đời sống của NLĐ thường xuyên được quan tâm, các chế độ và quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc. Các cấp công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhất là việc nắm bắt dư luận xã hội trong CNLĐ; vậy nên mọi băn khoăn, thắc mắc và kiến nghị của NLĐ được giải quyết từ cơ sở, điều đó góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cũng như tập thể lãnh đạo doanh nghiệp và NLĐ.

 

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều đảng viên trẻ, CNLĐ trực tiếp có năng lực  khẳng định được mình trong quá trình lao động; họ được rèn luyện, trưởng thành khi đứng trong hàng ngũ của Đảng và đã được công ty đề bạt, bổ nhiệm giữ các vị trí trọng trách tại doanh nghiệp. Sự gương mẫu và thành công của đảng viên nói chung và đảng viên trẻ nói riêng đã tác động đến NLĐ, nhất là CNLĐ trẻ trong việc noi gương và phấn đấu vào Đảng.

 

Hơn nữa, công tác chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã và đang tạo được những chuyển biến tích cực; việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng và hiệu quả, tác động đến nhận thức, hành động của cán bộ đảng viên, tạo niềm tin cho CNLĐ vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực cho CNLĐ trẻ phấn đấu vào Đảng.

 

 Đặc biệt thời gian gần đây, sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm minh những vụ trọng án, những sai phạm của cán bộ, đảng viên; Hay sự quan tâm, chỉ đạo kiên quyết kịp thời của Đảng, Nhà nước trong công tác xóa đói giảm nghèo, trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 mới đây với phương châm "Không ai bị bỏ lại phía sau", góp phần làm tốt hơn công tác an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị. Đối với ngành Dệt May, là ngành đông lao động nhất so với các ngành trên cả nước, việc toàn hệ thống đảm bảo việc làm, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ năm sau cao hơn năm trước, đã thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, và những nỗ lực rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền của ngành. Điều này càng tiếp thêm sức mạnh giúp NLĐ có thêm niềm tin với Đảng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, giữ gìn Đảng và có mục tiêu phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì công tác phát triển Đảng trong CNLĐ dệt may gặp không ít khó khăn. Là ngành có đông lao động song trình độ, nhận thức, tay nghề, tác phong lao động còn hạn chế; mức lương còn thấp so với các ngành nghề khác. Do đó, đại đa số NLĐ đi làm chú trọng đến việc tăng thu nhập để ổn định cuộc sống. Hơn nữa, lao động nữ của ngành chiếm trên 70%, sau khi tan ca ở doanh nghiệp, số đông nữ CNLĐ giành thời gian cho việc chăm sóc gia đình. Đối với CNLĐ lớn tuổi không muốn vào Đảng vì nghĩ mình không còn nhiều cơ hội phát triển. Do vậy, việc tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề; tham gia các hội thi, cuộc thi, hoạt động do doanh nghiệp và công đoàn phát động chưa thực sự được CNLĐ hưởng ứng, thực hiện với tinh thần tự giác cao; điều này đồng nghĩa với việc họ tự làm giảm bớt hoặc mất đi cơ hội khẳng định mình, ít bộc lộ được vai trò, thế mạnh của bản thân để Đảng, doanh nghiệp, công đoàn chú ý và bồi dưỡng.

 

Cùng với đó, NLĐ cho rằng quy trình, thủ tục để một đoàn viên được kết nạp đảng hay trở thành Đảng viên chính thức, ngoài thời gian 12 tháng "thử thách" cũng mất khá nhiều thời gian như tham gia học lớp nâng cao nhận thức về Đảng, lớp bồi dưỡng Đảng viên mới, kê khai lý lịch...đặc biệt là những CNLĐ đã có gia đình nhưng quê quán của vợ (chồng) cách xa nơi công tác sẽ khó khăn cho việc thẩm tra lý lịch. Ngoài ra, sự biến động liên tục của lực lượng lao động trong ngành dệt may cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển Đảng. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Đầu tư và Thương Mại Thành Công:"Nhiều CNLĐ của đơn vị mặc dù đã làm hồ sơ phát triển Đảng, hoàn tất thẩm tra lý lịch, chuẩn bị kết nạp lại xin chuyển công tác hoặc có những CNLĐ vừa mới kết nạp xong xin chấm dứt hợp đồng lao động"...

 

Để công tác phát triển Đảng trong CNLĐ ngành dệt may thực sự ý nghĩa, hiệu quả, thiết nghĩ tổ chức Đảng cơ sở, các doanh nghiệp và CĐCS ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt sao cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như thực hiện tốt một số giải pháp sau:

 

Một là: CĐCS cần tuyên truyền, vận động CNVCLĐ trước tiên phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trong đó cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu để quần chúng nhìn vào thấy tin tưởng mà phấn đấu gia nhập hàng ngũ của Đảng.Cùng với đó triển khai và vận động CNVCLĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn và các cấp trong ngành phát động, thông qua phong trào thi đua CĐCS sẽ lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu, xuất sắc; có động cơ, ý thức phấn đấu để quan tâm, giúp đỡ và bồi dưỡng  giới thiệu cho Đảng.

 

Hai là: Đối với đảng viên xuất thân từ CNLĐ trực tiếp nhưng có tinh thần cầu thị, có ý trí phấn đấu, tận tâm với phong trào; có trách nhiệm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và quan tâm đến NLĐ cần ưu tiên, đề bạt vào các vị trí lãnh đạo trong cơ quan đơn vị, doanh nghiệp.

 

 Ba là: Các cấp ủy Đảng chỉ đạo Doanh nghiệp, Công đoàn quan tâm tạo điều kiện về thời gian, có chế độ đãi ngộ phù hợptrong thời gian NLĐ tham gia các lớp học nâng cao nhận thức về Đảng, học tập Nghị quyết của Đảng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, tham gia các phong trào, hoạt động,… Nếu doanh nghiệp có đông NLĐ tham gia thì tham mưu với Đảng ủy cấp trên mở tại doanh nghiệp.

 

Bốn là: Bố trí thời gian sinh hoạt Đảng sao cho phù hợp, không ảnh hưởng đến thời gian của NLĐ và doanh nghiệp đặc biệt là CNLĐ trực tiếp sản xuất. Nội dung sinh hoạt cần ngắn gọn, trọng tâm trọng điểm, đặc biệt là tập trung vào những vấn đề người lao động và doanh nghiệp thực sự quan tâm như việc làm, thu nhập, điều kiện lao động... và phải tạo được không khí thực sự cởi mở, dân chủ, để CBĐV được trao đổi, phản biện, phát huy trí tuệ tập thể.Ứng dụng công nghệ trong việc việc tuyên truyền, sinh hoạt Đảng online, tạo nhóm Đảng viên trên Zalo, facebook, gửi tài liệu văn bản qua email….để  đảng viên có cơ hội, điều kiện tiếp cận những thông tin mới nhất, nhanh nhất và chuẩn xác nhất góp phần giữ vững bản lĩnh giai cấp, bồi dưỡng lý tưởng, củng cố niểm tin của CNLĐ với Đảng.

 

Năm là: Giao chỉ tiêu phát triển Đảng gắn với nâng cao chất lượng đảng viên cho mỗi chi bộ. Việc đánh giá, bình xét phân loại đảng viên hàng năm cần công khai, minh bạch; có hình thức khen thưởng động viên kịp thời đối với những đảng viên xuất sắc; đồng thời xem xét kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm điều lệ Đảng; giảm thiểu những thủ tục hành chính không thực sự cần thiết.

 

Phát triển Đảng  trong CNLĐ ngành Dệt May là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chung tay của lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động, các đoàn thể chính trị xã hội, trong đó có vai trò quan trọng là CĐCS. Bởi khi đoàn viên công đoàn ngành Dệt May được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng nghĩa với đây thực sự là những "hạt giống đỏ" được lựa chọn gieo trồng, chắc chắn sẽ vận dụng tốt sự quan tâm của tổ chức, vượt lên những điều kiện khó khăn để là hạt nhân trong hoạt động công đoàn và phong trào công nhân ở mỗi cơ sở.  

 

                                                                           Nguyễn Thị Thủy

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website