Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Công nghệ 4.0 từ sáng kiến đạt giải nhất Ngày hội LĐST ngành Dệt May Việt Nam

Tại Ngày hội LĐST ngành Dệt May Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tháng 10/2019,  một sáng kiến thuộc lĩnh vực cơ khí tự động hóa đã gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ với Hội đồng giám khảo mà còn với tất cả những ai tham gia Ngày hội. Đó là sáng kiến "Máy nhồi lông vũ tự động sử dụng 2 loại lông" của anh Bùi Thế Sáu - Công ty TNHH May và Thương mại Việt Thành - sáng kiến đạt giải Nhất của các đề tài giải pháp đến từ khối May.

 

Thiết bị ngoại nhập chưa hẳn đã phù hợp

 

Công ty TNHH May và Thương mại Việt Thành là đơn vị chuyên sản xuất hàng jacket xuất khẩu. Những năm gần đây, Công ty sản xuất nhiều sản phẩm có sử dụng lông vũ với số lượng lớn và đa dạng về chủng loại. Chính vụ kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Khi công nghệ chưa phát triển, các doanh nghiệp sản xuất jacket nói chung và Việt Thành nói riêng đều nhồi lông vũ thủ công bằng tay, tốn rất nhiều nhân lực cho công đoạn này mà năng suất lại kém.

 

Những nhược điểm của thiết bị nhập khẩu

 

Khi công nghệ phát triển hơn, năm 2017 Công ty đầu tư 2 máy nhồi lông vũ tự động từ nước ngoài với giá thành gần 50.000 USD (hơn 1 tỷ VNĐ). Nhờ đó năng suất lao động tăng, số lượng lao động giảm. Tuy nhiên máy vẫn còn 1 số hạn chế như giá thành cao, giao diện bằng tiếng nước ngoài, khó vận hành. Công đoạn tiếp lông vũ vẫn phải dùng tay, lông vũ rơi vãi nhiều, thiết bị không thu hồi triệt để được lông vãi dẫn đến phòng nhồi lông rất bụi, vừa lãng phí nguyên liệu lại không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Buồng chính của máy nhỏ nên khi làm các đơn hàng thân to, trọng lượng lông lớn, dễ dẫn đến lượng lông nhồi vào chi tiết không ổn định, không chính xác. Hệ thống súng nhồi đi vòng vèo, dễ bị tắc , xử lý mất thời gian. Thiết bị cũng chỉ sử dụng được một loại lông nên khi làm cùng lúc nhiều đơn hàng, nhiều loại lông vũ, có máy nhưng lại không sử dụng được, gây lãng phí.

 

Trước tình hình này,  phòng kỹ thuật của xí nghệp May đề nghị đầu tư thêm máy nhồi tự động vì trong 7 chuyền sản xuất hàng lông vũ chỉ có 3 chuyền cùng mặt hàng, còn lại là 4 loại lông vũ khác nhau, dẫn đến có máy nhưng vẫn phải làm tay.

 

Lãnh đạo Công ty đã giao cho Phòng cơ điện nghiên cứu cải tiến máy để tận dụng hết công năng song do máy là kiểu dáng đứng, vỏ máy bằng INOX, buồng làm việc nhỏ nên việc cải tạo rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian.

 

Sau khi tiếp cận với thiết bị ngoại nhập, anh Bùi Thế Sáu đã tìm hiểu và nghiên cứu cơ chế, nguyên lý làm việc của hệ thống, từ đó đưa ra giải pháp chế tạo mới hoàn toàn, khắc phục các nhược điểm của máy hiện có, đồng thời giúp giảm chi phí do toàn bộ linh kện điện tử, tự động hóa và các vật tư khác đều có sẵn trên thị trường Việt Nam.

 

Đề tài của anh Sáu được lãnh đạo Công ty đồng ý cho nghiên cứu, thời hạn là 15 ngày cùng sự hỗ trợ của 3 nhân lực khác. Tuy nhiên chưa đến 12 ngày, anh Sáu đã hoàn thiện và cho chạy thử máy. Kết quả cho thấy độ chính xác và ổn định hơn máy nhập khẩu. Do đó, máy được đưa vào hoạt động và được phòng kỹ thuật Công ty theo dõi và kiểm nghiệm.

 

Thiết bị do anh Bùi Thế Sáu nghiên cứu và chế tạo

 

Thiết bị "made in Vietnam" và những lợi thế vượt trội

 

Sau nhiều tháng sử dụng, máy có độ chính xác và ổn định cao, dung sai chỉ 0,02g cho mỗi lần thổi. Máy còn giúp khắc phục cơ bản các nhược điểm của máy nhập ngoại, tạo môi trường làm việc sạch sẽ hơn.

 

Buồng chính và buồng phụ được chia làm 2 khoang, có thể nhồi được 2 loại lông vũ khác nhau trên cùng 1 máy, tiện lợi hơn cho Công ty khi không phải dùng 1 máy cho 1 loại lông vũ như trước đây, từ đó giảm chi phí đầu tư.

 

Hệ thống hút lông vãi tự động có tác dụng cải thiện môi trường trong phòng nhồi lông. Thiết bị lưu được 8 chương trình làm việc cho các loại chi tiết sản phẩm khác nhau. Màn hình cảm ứng được thiết kế đơn giản ngắn ngọn, ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Việt, dễ sử dụng.

 

Anh Bùi Thế Sáu thuyết trình giới thiệu sáng kiến tại Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May lần thứ 2

 

Anh Bùi Thế Sáu cho biết, đây là lần đầu tiên anh nghiên cứu, chế tạo thiết bị áp dụng công nghệ tự động hóa vào dây chuyền sản xuất may mặc với màn hình cảm ứng nhiệt. Các tính năng được thiết kế đơn giản giúp người lao động dễ tiếp cận. Để vận hành, thao tác đơn giản như sử dụng một điện thoại thông minh. Việc cài đặt chương trình cho từng đơn hàng cũng đơn giản hơn rất nhiều so với máy nhập ngoại.

 

Nhờ có sáng kiến này, Công ty đã tiết kiệm được chi phí do không phải nhập ngoại thiết bị mới. So sánh với thiết bị nhập ngoại thì thiết bị tự chế này làm lợi trên 850.000.000 đồng trong năm 2018, giúp giảm 4-5 nhân công so với trước đây, năng suất lao động tăng cao, chất lượng nhồi lông đảm bảo.

 

Không bằng lòng với kết quả đạt được, anh Bùi Thế Sáu đang tiếp tục nghiên cứu việc nâng cấp thiết bị, ví dụ như tự động sử dụng được bốn loại lông vũ trên cùng một máy hay tạo máy nhồi bông xơ liên hoàn giữa máy xé nhỏ bông xơ, chuyển tiếp lên máy nhồi bông tự động từ hai đến bốn đầu nhồi.

 

Giống như nhiều sáng kiến được giới thiệu tại Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam, sáng kiến của anh Bùi Thế Sáu đã minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt trong nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi của CBCNVLĐ ngành Dệt May. Chúng ta không chỉ tiếp nhận, ứng dụng những thành tựu công nghệ của thế giới mà còn biết chế tạo ra những sáng kiến, cải tiến kĩ thuật phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, ngành nghề và doanh nghiệp. Đó cũng chính là mong muốn mà Công đoàn và Tập đoàn Dệt May Việt Nam đặt ra khi tổ chức các phong trào thi đua, những "sân chơi" quy mô và ý nghĩa như "Ngày hội Lao động sáng tạo", để tập hợp, phát huy trí tuệ lao động dệt may trong quá trình xây dựng, phát triển ngành và đất nước.

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website