Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Đừng làm đau phụ nữ dù chỉ bằng một nhành hoa

Ngày 25/11 đã được lựa chọn là Ngày quốc tế chống nạn bạo hành phụ nữ, nhằm thu hút  sự chú ý của toàn thế giới về vấn  nạn bạo lực đối với  nữ giới đang xảy ra tại các quốc gia/khu vực, với nhiều biểu hiện, hình thức khác nhau, không chỉ là bạo hành về thể xác như chúng ta vẫn nghĩ. 

 

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Còn theo báo cáo năm 2018 của Văn phòng Liên hiệp quốc về chống ma túy và tội phạm, mối nguy hiểm lớn nhất tới tính mạng mà phụ nữ thế giới phải đối mặt hiện nay lại đến từ chính gia đình của họ.

 

Bạo lực thể xác

 

Hình thức bạo lực phổ biến nhất, dễ nhận thấy nhất là bạo lực thể xác. Nhẹ thì vài ba cái tát, túm tóc, mạnh hơn thì đấm, đạp, bóp cổ..., nguy hiểm nhất là nhiều người sẵn sàng dùng tới cả hung khí.

 

Có đủ mọi nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ bị bạo hành bởi chồng, bạn tình, hoặc bởi các thành viên trong gia đình (anh em trai, bố...): lỡ làm trái ý họ; không chịu đưa tiền cho họ đánh bạc, uống rượu; cũng có thể do họ say xỉn hoặc người chồng ngoại tình đâm ra chán ghét vợ... và thậm chí chả hề có lý do nào, chỉ là bởi đàn ông đang bực bội trong người nên nhìn vợ thấy ngứa mắt, đâm ra ngứa...tay!

 

 

Hình ảnh những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, tần tảo, hy sinh hết thảy vì chồng con, chân yếu tay mềm bị thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, không hiếm gặp hàng ngày trong cuộc sống xung quanh chúng ta, đặc biệt tại nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong khu vực những phụ nữ có trình độ học vấn thấp, đã trở thành một vấn nạn nhức nhối.

 

Nhưng bạo lực thể xác không chỉ dừng lại ở việc hành hung, đánh đập mà cưỡng ép phụ nữ làm việc nhà hay lao động quá sức cũng là một dạng bạo lực thể xác. Rất nhiều phụ nữ, trong đó nhiều người thuộc tầng lớp trí thức, vừa phải làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp không kém gì đàn ông, nhưng về tới nhà, họ còn phải đảm đương toàn bộ công việc chăm sóc con cái, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa... Trong khi đó, những người đàn ông hoặc vô tư hoặc cố ý, coi  những công việc nhiều khi không tên mà lại chẳng hề nhẹ nhàng đó là "thiên chức", là nhiệm vụ đương nhiên của phụ nữ.

 

Bạo lực kinh tế

 

Đây là một dạng bạo lực có cái tên khá mới mẻ nhưng thực ra lại rất quen thuộc. Bạo lực kinh tế thường đi kèm với bạo lực thể xác. Khi những người đàn ông trút những trận đòn tàn bạo vào vợ, bạn gái hay người thân của mình, họ gần như mất hết kiểm soát. Giận quá hóa...dại! Đồ đạc, tài sản của người phụ nữ hoặc của chung gia đình, trong đó có thể có mồ hôi công sức của chính người đàn ông, cũng trở thành đối tượng để họ đập phá, hủy hoại, trút giận một cách không thương tiếc.

 

Một hình thức khác của dạng bạo lực này là bắt vợ nghỉ việc, ở nhà trông con hay quản lý, kiểm soát thu nhập, chi tiêu, nhằm buộc người phụ nữ phải phụ thuộc tài chính, dẫn đến sự lệ thuộc mọi mặt của đời sống vào người chồng.

 

Bạo lực tình dục

 

Thời trước, đây là một vấn đề khá tế nhị và người ta thường tránh nhắc đến nó một cách công khai. Tuy nhiên, xã hội ngày càng cởi mở hơn, phụ nữ, đặc biệt ở khu vực thành phố, học vấn cao, có thể tương đối dễ dàng và thẳng thắn khi đề cập đến chủ đề nhạy cảm này.

 

Bạo lực tình dục có nhiều dạng thức: lạm dụng, hiếp dâm, cưỡng bức tình dục vợ hoặc bạn gái hoặc ép buộc phụ nữ quan hệ không theo cách thức mong muốn của họ...

 

Nếu như lạm dụng hay hiếp dâm được xã hội cho là vấn đề nghiêm trọng thì tình trạng cưỡng bức tình dục trong hôn nhân thường bị người ta xem nhẹ, coi việc tham gia vào quan hệ tình dục với chồng là nghĩa vụ đương nhiên của người vợ, thậm chí còn lấy chủ đề này ra làm trò đùa vui. Xã hội cũng ít chú ý tới khía cạnh tâm lý, sức khỏe của người phụ nữ trong quan hệ tình dục. Góc nhìn có tính chất phong kiến, thiếu khoa học này dẫn tới những tổn hại không nhỏ cho nhiều phụ nữ về mặt tinh thần và thể chất.

 

Bạo lực tinh thần

 

Đây là một hình thức bạo lực khá tinh vi, khó nhận biết, trong rất nhiều trường hợp, chính người đàn ông cũng không ý thức được, rằng họ đang gây ra bạo lực tinh thần cho vợ hay người thân của mình.

 

Hình thức của loại bạo lực này cũng rất phong phú, đa dạng: xúc phạm, lăng mạ, chửi bới, vu khống, hủy hoại nhân phẩm, đe dọa, cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên.... hay ngăn cản, gây cản trở các mối quan hệ của người phụ nữ với những người thân trong gia đình hoặc bạn bè, đồng nghiệp... 

 

Có một dạng thức khác mà có lẽ hiếm khi được nhận biết đó là bạo lực tinh thần, ấy là sự trơ trọi, cô đơn của những người phụ nữ trong chính gia đình mình, trong chính tình yêu của mình.

 

Dạng bạo lực này tuy không gây ra đau đớn về thể xác nhưng lại có thể mang đến những nỗi đau về tinh thần, để lại trong tâm hồn họ những vết thương không bao giờ còn có thể liền sẹo. Trong không ít trường hợp, người phụ nữ thường xuyên bị tra tấn về tinh thần đã trở nên trầm cảm, mất trí, thậm chí tìm tới cái chết.

 

Có thể nói, nếu như hậu quả của bạo lực thể xác thường đến ngay lập tức và nhìn thấy được thì tác hại mà bạo lực tinh thần mang lại thường khó mà cân đo đong đếm nhưng lại có tác động lâu dài và hệ quả thì thật khôn lường.

 

 

***

 

Phụ nữ vẫn thường được gọi là "phái yếu", không chỉ vì yếu tố thể chất mà tạo hóa đã ban tặng cho họ, những hồng nhan ấy, cho dù có là nữ tướng họ Triệu "muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông..." hay bà vợ tảo tần, tào khang của thi sĩ nức tiếng thành Nam, Tú Xương "Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi cả 5 con với một chồng", cho đến thế hệ phụ nữ hiện đại của thế kỷ 21, thế kỷ công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI, thì sâu thẳm trong tâm hồn, họ vẫn luôn mong manh, dễ vỡ, dễ tổn thương với những rút ruột yêu thương hay đau đớn đến tận cùng.

 

Sinh ra là phụ nữ thì đã đương nhiên phải chấp nhận biết bao nhiêu thiệt thòi.

 

Xin đừng làm đau thêm những bờ vai yếu mềm, những trái tim đặc biệt mẫn cảm ấy.

 

Đàn ông có thể không cần tặng hoa phụ nữ mỗi dịp 8/3; 20/10 nhưng xin hãy dành ra một chút thời gian để lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương họ hơn mỗi ngày. 

 

Cho dù có là bạo lực thể xác, kinh tế, tình dục hay tinh thần thì cũng đều là những dày vò khôn nguôi đối với người phụ nữ.

 

Đừng làm đau phụ nữ, cho dù chỉ bằng một nhành hoa...

 

Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website