Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Bình đẳng giới trong gia đình CNLĐ Dệt May

Bình đẳng giới là nội dung được Quốc tế và Việt Nam nhắc đến rất nhiều trong những năm qua. Mặc dù chúng ta đã có những nỗ lực và bước tiến đáng kể trong thúc đẩy bình đẳng giới song tại Việt Nam chưa có sự bình đẳng thực sự. Nút thắt vẫn là việc xã hội giao trọn nhiệm vụ chăm sóc gia đình cho người phụ nữ. Nếu người đàn ông không chia sẻ, thấu hiểu cùng vợ thì người phụ nữ rất dễ bị gắn chặt với "thiên chức" này, sẽ ảnh hưởng đến phát triển sự nghiệp cũng như vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Như vậy, có thể nói cơ sở và nền tảng để thực hiện tốt bình đẳng giới phải bắt đầu từ môi trường gia đình.

 

Điều 18, Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau: Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

 

Như vậy, bình đẳng giới trong gia đình đem lại lợi ích cho cả phụ nữ, nam giới và xã hội. Gia đình không những là điều kiện thuận lợi để các thành viên được chăm sóc, là điểm tựa vững chắc khi gặp khó khăn. Gia đình hạnh phúc bền vững sẽ góp phần xây dựng xã hội ổn định, tiến bộ. Khi bình đẳng giới trong gia đình được phát huy đồng nghĩa với việc vai trò của người phụ nữ được đề cao, có cơ hội, vị trí như nam giới không chỉ trong gia đình mà cả ngoài xã hội.

 

Dệt May là ngành có đông lao động nữ nhưng thu nhập và nhận thức vẫn còn hạn chế, ngoài ra tính chất công việc vất vả, thường xuyên phải làm theo ca kíp nên áp lực vừa phải hoàn thành công việc lẫn quán xuyến gia đình luôn đặt lên vai các chị. Ở mỗi một vị trí, công việc và hoàn cảnh khác nhau nữ CNLĐ đều phải làm tròn trách nhiệm của mình. Cuộc sống hiện đại mở ra nhiều cơ hội cho người phụ nữ trong công việc và có vị trí trong xã hội nhưng khi về đến gia đình họ vẫn phải là "người giữ lửa".

 

Nhiều gia đình có cả chồng và vợ đều là CBCNVLĐ cùng một công ty

 

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng, các cấp trong ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm động viên, hỗ trợ NLĐ trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh như: tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức về Luật Bình đẳng giới; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ; vận động CNVCLĐ thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển, mỗi gia đình CNVCLĐ sinh đủ 2 con, không lựa chọn giới tính khi sinh, phấn đấu giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; biểu dương và tôn vinh gia đình CNVCLĐ nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6...

 

Tại cấp ngành, năm 2018 đã tổ chức diễn đàn "Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái". Từ  năm 2019 công tác biểu dương "Gia đình Dệt May tiêu biểu"  được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm và duy trì thường niên; tiêu chí xét chọn ưu tiên gia đình có cả vợ và chồng cùng công tác trong ngành, CNLĐ sản xuất trực tiếp... Đã có 56 gia đình CNVCLĐ Dệt May được tôn vinh khen thưởng, trong đó có 38 gia đình vợ chồng cùng ngành. Xét chọn và đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tôn vinh 01 gia đình CNLĐ tại hội nghị biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020.

 

Ngoài ra, Công đoàn Dệt May còn hỗ trợ kinh phí xây mới và sửa chữa 10 căn nhà "Mái ấm Công đoàn", trích gần 5,5 tỷ đồng trợ cấp cho trên 9 nghìn NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, giảm thu nhập vì dịch bệnh Covid-19... giúp gia đình NLĐ Dệt May khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

 

Tại cấp cơ sở, công tác bình đẳng giới trong gia đình cũng được các đơn vị chú trọng, chỉ tính 2 năm gần đây đã có trên 32.300 lượt LĐ nữ được tuyên truyền nâng cao kiến thức Luật Bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản; xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình...Cùng với các hoạt động nhằm hỗ trợ NLĐ tổ chức tốt cuộc sống gia đình yên tâm gắn bó với nghề, các đơn vị đã xây dựng bộ tiêu chí riêng xét chọn gia đình Dệt May tiêu biểu tại cơ sở như: Công ty CP Dệt May – Đầu tư - Thương mại Thành Công, Tổng công ty Việt Thắng- CTCP, Tổng công ty May 10-CTCP, Tổng công ty May Nhà Bè- CTCP...

 

Dệt May Thành Công tôn vinh các gia đình tiêu biểu

 

Trong thời gian tới, bình đẳng giới vẫn tiếp tục là vấn đề được các cấp trong ngành quan tâm và chia sẻ cùng NLĐ. Hy vọng chúng ta không chỉ thay đổi trong nhận thức và hành động của chính mình mà còn lan tỏa, chia sẻ quan điểm về bình đẳng giới với tất cả mọi người để bình đẳng giới thật sự có ý nghĩa, thực chất và hiệu quả.

 

Về phía NLĐ, bước đầu để đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình, các bạn cần:

 

1. Phân công nhiệm vụ cho tất cả các thành viên trong gia đình để cùng nhau chia sẻ việc nhà.

 

2. Bố mẹ cùng tham gia giáo dục con; cùng bàn bạc và quyết định các vấn đề của gia đình.

 

3. Quan tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản của cả hai giới.

 

4. Lên án và phòng chống bạo lực gia đình.

 

---

 

Mong muốn có một gia đình hạnh phúc là điều ai cũng hướng đến. Tuy nhiên, để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, việc đầu tiên không thể thiếu là thực hiện bình đẳng giới giữa vợ - chồng cũng như các thành viên trong gia đình. Đó vừa là mục tiêu, cũng là điều kiện để mỗi người được sống trong hạnh phúc.

 

Nguyễn Thị Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website