Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nữ CNLĐ Lê Thị Lệ Thu: Nếu không yêu nghề mến nghiệp, sẽ chẳng thể bám máy đến cùng

Khiêm tốn với những thành tích xuất sắc đã đạt được, trách nhiệm với công việc được giao là nhận xét của nhiều đồng nghiệp đã và đang cùng công tác dành cho chị Lê Thị Lệ Thu, công nhân vận hành Nhà Máy Sợi, Công ty CP Dệt May Huế. Nhân một chuyến công tác, có cơ duyên được gặp gỡ, tiếp xúc và nghe chị Thu chia sẻ về cuộc sống và công việc, tôi được biết nữ CNLĐ với tay nghề bậc thợ 4/6 này không những là một thợ giỏi, chị còn nỗ lực tự học để biết thêm nhiều vị trí công việc khác.

 

 Chị Lê Thị Lệ Thu - công nhân vận hành Nhà Máy Sợi, Công ty CP Dệt May Huế

 

Do đặc thù của ngành sợi thường làm 3 ca/ngày nên công nhân nhà máy có ngày phải đi từ sáng sớm và cũng có hôm đêm muộn mới về nhà. Trong quá trình vận hành, công nhân phải thường xuyên đi tua, quan sát, phát hiện và khắc phục kịp thời các lỗi giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, hạn chế phế phẩm, tiết kiệm chi phí…vì thế quãng đường đi lại trong xưởng trung bình khoảng 9km/ngày. Đối với lao động nữ, đặc biệt là đang mang thai hoặc lớn tuổi, việc này khá vất vả. Vậy nên ngay từ thời gian đầu vào nhà máy sợi làm việc, ngoài việc tuân thủ, nắm vững quy định, các thao tác kỹ thuật cũng như yêu cầu của công việc, chị Thu luôn tự nhủ phải cố gắng, vượt qua khó khăn, không ngừng học hỏi để làm chủ được những cỗ máy sợi.

 

Thời tiết khu vực Miền Trung mưa nắng thất thường hoặc mưa nhiều, độ ẩm cao…là những nguyên nhân khiến sợi rất dễ bị đứt. Nếu không biết cách xử lý sẽ mất nhiều thời gian cho việc nối các mối sợi, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động. Nắm được nhược điểm này nên ngoài việc đi tua nhanh, nối mối nhanh, thao tác kỹ thuật chuẩn xác, chị Thu thường xuyên kiểm tra nguyên liệu trước khi vận hành, xử lý các sự cố, lỗi trên cả sợi và máy kịp thời. Cùng với thời gian, kinh nghiệm được tích lũy, tay nghề được nâng cao, hiện tại chị Thu đang vận hành 13 máy, nhiều hơn từ 2-3 máy so với các công nhân khác.

 

Những năm gần đây do nhu cầu của thị trường, sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm cũng như ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, Công ty đã từng bước đầu tư, thay thế và lắp đặt hệ thống máy móc nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, công việc bấy lâu nay đã hình thành kỹ năng, thói quen của chị Thu cũng như nhiều CNLĐ khác thao tác chủ yếu bằng tay, quan sát bằng mắt nhìn thông thường để phát hiện lỗi thì giờ đây đã không còn phù hợp. Thay vào đó là vận hành máy móc hiện đại với nhiều tính năng ưu việt, tự động, điều khiển từ xa thông qua màn hình…Trước yêu cầu đó, chị Thu và nhiều CNLĐ nơi đây phải học hỏi chuyển giao, tiếp cận nhanh để làm chủ công nghệ mới; đồng thời vẫn duy trì thao tác và vận hành song song hệ thống máy móc cũ trước đó của nhà máy.

 

Ngoài khả năng vận hành số lượng máy dệt nhiều hơn CNLĐ khác, chị Thu luôn tích cực phổ biến, hướng dẫn những thao tác hay, chuẩn xác với mức cao nhất cho đồng nghiệp; thường xuyên hỗ trợ kèm cặp, giúp đỡ những CNLĐ mới vào nghề để nhanh chóng trưởng thành. Tinh thần làm việc trách nhiệm cao, vì tập thể của chị Thu là nhân tố tạo nên sự đoàn kết và góp phần vào thành tích chung của Tổ sợi con Kíp 2- Nhà máy Sợi - nơi chị công tác - luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua, hằng năm được nhà máy và Công ty tuyên dương khen thưởng.

 

 

Sinh ra, lớn lên tại  mảnh đất Cố đô Huế, chị Lê Thị Lệ Thu chọn quê hương mình để an cư lạc nghiệp và đã có 20 năm gắn bó với nghề, đó là chặng đường dài để chị Lê Thị Lệ Thu tích cực phấn đấu và không ngừng học hỏi. Công việc đảm nhiệm chính là vận hành máy sợi nhưng nữ CNLĐ này có thể làm được nhiều công việc khác đảm bảo năng suất, chất lượng cao hơn so với yêu cầu chung như: vận hành máy đánh ống, máy đậu, máy xe hoặc nhiều việc trên dây chuyền như đổ sợi, thay thô…Khi các vị trí, công việc có thay đổi về nhân sự hoặc CNLĐ nghỉ việc, chị Lê Thị Lệ Thu tiếp cận và đảm nhiệm một cách dề dàng.

 

Khi được hỏi, điều gì đã khiến chị gắn bó với nghề, chị Thu chia sẻ "Ngành nghề nào cũng vất vả và áp lực. Nếu bản thân mỗi người không yêu nghề, mến nghiệp, không nỗ lực cố gắng sẽ không thể thành công và gắn bó lâu dài". Nhớ lại câu chuyện cách đây 13 năm về trước, Chị Thu tâm sự: Khi đang mang thai con thứ 2, một phần do cơ địa, một phần do phải đứng lâu, có lúc lại di chuyển nhiều nên chị bị giãn tĩnh mạch. Để đảm bảo an toàn, nhà máy đã bố trí cho chị công việc khác. Tuy nhiên, nếu chị nghỉ lúc này đồng nghiệp sẽ vất vả hơn, dây chuyền sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Xuất phát từ niềm yêu mến công việc mình làm, tinh thần vượt khó chị Lê Thị Lệ Thu đã khắc phục những yếu tố liên quan đến sức khỏe, kiên trì "bám máy" cho đến ngày hạ sinh.

 

Cách đây 6 năm, triệu chứng giãn tĩnh mạch tái phát như muốn tiếp tục thử thách chị Thu một lần nữa. Tuy nhiên, yếu tố sức khỏe dường như không đủ mạnh để chị Thu "hết duyên" với nghề. Cùng với điều trị, vừa rèn luyện để có sức khỏe chị Thu vừa tiếp tục làm tốt hơn công việc của mình. Và thành tích mà công việc đem lại cho chị là nhiều năm liên tục đạt danh hiệu thợ giỏi của nhà máy, Đạt giải Hội thi thợ Giỏi cấp công ty (Giải Ba năm 2018, Giải Nhất năm 2019); 4 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (2017-2020). Năm 2020 là một trong 10 lao động nữ tiêu biểu được Công đoàn Dệt May Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Thị Sen.

 

Câu chuyện về gương nữ công nhân lao động Lê Thị Lệ Thu chỉ là một trong nhiều nữ CNLĐ tiêu biểu trong hệ thống ngành Dệt May Việt Nam có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 mong rằng chị Thu và tất cả chị em trong ngành sẽ có nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc và tiếp tục dệt nên nhiều thành tích cao hơn nữa bằng công việc ngành nghề mình yêu thích.

 

Nguyễn Thị Thủy

 

                 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website