Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Hạnh phúc trong lao động và các giải pháp tăng chỉ số cạnh tranh bằng hiệu suất

Tại Đại hội Công đoàn Công ty CP May Phương Đông nhiệm kỳ 2023- 2028, đ/c Lâm Ngữ Chinh Kha – UVBCH Công đoàn, Giám đốc điều hành Công ty đã trình bày một bài tham luận rất ý nghĩa và thiết thực về thế nào là hạnh phúc trong lao động, giải pháp tăng chỉ số cạnh tranh bằng hiệu suất. Cổng thông tin điện tử xin được gửi đến các bạn toàn văn bài tham luận.

 

 Đại hội Công đoàn Công ty CP May Phương Đông nhiệm kỳ 2023- 2028

 

Hạnh phúc trong lao động và các giải pháp tăng chỉ số cạnh tranh bằng hiệu suất

 

Các bạn thân mến,

 

Mỗi ngày, chúng ta đến công ty và dành hơn 8 tiếng ở nơi này để shọc hỏi, làm việc cùng với các đồng nghiệp. Bởi vậy, công ty  có thể ví như  ngôi nhà thứ hai của chúng ta.

 

Và bạn có cảm thấy hạnh phúc ở ngôi nhà thứ hai này?

 

Trước tiên, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu, khái niệm về hạnh phúc.

 

Theo định nghĩa của khoa học thì hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc được biểu thị bởi cảm giác vui vẻ, thoả mãn, hài lòng và sự đủ đầy. Nhưng mỗi người đều sẽ có những ý niệm khác nhau về hạnh phúc của riêng mình.

 

Trong không khí trang trọng mà gần gũi, ấm áp của Đại hội ngày hôm nay, tôi xin có một vài chia sẻ, liên quan đến chủ đề: "Hạnh phúc trong lao động và các giải pháp tăng chỉ số cạnh tranh về hiệu suất".

 

Chúng ta – tất cả những anh/chị ngồi đầy đều đã trải qua những thời khắc không thể nào quên của đại dịch Covid- 19.

 

Đó là khoảng thời gian đất nước ta buộc phải phong tỏa để đẩy lùa dịch bệnh; là thời điểm, nhiều người phải liên tiếp nhận những tin buồn, khi người thân và bạn bè đột ngột qua đời vì bệnh dịch. Đó cũng là quãng thời gian vô cùng khó khăn khi công nhân thiếu đơn hàng; ban lãnh đạo công ty phải chạy ngược xuôi tìm nguồn hàng thay thế, để giúp doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, người lao động có thu nhập; là những ngày các xí nghiệp phải thay đổi và thích ứng với đơn hàng mới thật sự vất vả và đầy thử thách...

 

Hôm nay dịch bệnh đã qua đi, nhưng những ký ức đau thương đó sẽ khó có thể phai mờ trong tâm trí của mỗi người. Và chúng ta cảm thấy thật may mắn, khi vẫn còn được sống; hạnh phúc khi vẫn còn việc làm và hơn tất thảy, là đã vượt qua được những chông gai, thách thức chưa từng có tiền lệ.

 

Hiện nay, tình hình thế giới đang biến động từng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhập khẩu của các nước. Điều này một lần nữa, lại dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng trên diện rộng của ngành dệt may Việt Nam, bắt đầu từ quý IV năm 2022, kéo dài sang quý 1 năm 2023 và chưa có dấu hiệu cải thiện.

 

Tuy nhiên, rất may mắn cho chúng ta là Công ty Phương Đông, cho đến thời điểm này, vẫn đang có nguồn hàng dồi dào, trong khi phần lớn những công ty dệt may khác, đang rất thiếu đơn hàng.

 

Như các bạn đã thấy, ngay từ đầu năm, chúng ta đã bắt đầu vào sản xuất những chương trình lớn và giá trị của YYEN, TGI. Khách hàng C&B đã chuyển những đơn hàng lớn từ Trung Quốc về Phương Đông. Decathlon thì vẫn duy trì nguồn hàng ổn định trong năm 2023 với những đơn hàng có giá trị cao hơn.Bạn có cảm thấy chúng ta đang hạnh phúc hơn so với các đơn vị khác trong ngành?

 

 

Bạn có muốn, mỗi ngày đến công ty là một ngày hạnh phúc?

 

Và hạnh phúc trong môi trường sản xuất kinh doanh của chúng ta chính là sự đồng cảm, sẻ chia,  sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn... giữa các bộ phận và thành viên trong tổ chức.

 

Phương Đông chúng ta là một doanh nghiệp nên các xí nghiệp và phòng ban trong công ty tạo nên một chuỗi các công đoạn trong quá trình chế tạo và cung ứng hàng hóa cho các khách hàng. Mỗi bộ phận là một mắt xích quan trọng, gắn kết, bổ trợ nhau và không thể tách rời. Tổng thể, mục tiêu chúng ta hướng đến đó là sự phát triển bền vững của công ty đi cùng với sự phát triển của từng cá nhân người lao động, chubg tay xây dựng và đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

 

Hiện nay chúng ta đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp dệt may, cả trong nước và quốc tế. Song song với đó là áp lực rất lớn từ khách hàng, xoay quanh 03 yếu tố cơ bản: Giá cạnh tranh – Thời gian giao hàng – Chất lượng.

 

Như thế nào giá cả cạnh tranh? Đó có phải đơn thuần là giá rẻ?

 

Không! Chúng ta đang ở trong  một thế giới phẳng, nơi khách hàng có những chỉ số, định mức lao động mang tính toàn cầu và với những mức giá tương đương nhau. Vậy, để có thể tạo nên sự cạnh tranh, bắt buộc chúng ta phải làm việc có hiệu quả; hiệu suất công việc chúng ta phải cao hơn đối thủ cạnh tranh; tiết kiệm được thời gian, rút ngắn quy trình sản xuất, trên những định mức chuẩn mà ngày càng có xu hướng khắt khe hơn của khách hàng.

 

Ví dụ: Một mã hàng mới khi công ty đàm phán giá thì sẽ phải căn cứ vào giá FOB chuẩn của khách hàng áp dụng chung cho các nước. Cho dù một số nước khác như Bangladesh, China, Indonesia sẽ có những thuận lợi hơn chúng ta về mức thuế, chi phí vận chuyển, nguồn cung NPL…

 

Giá thành của một sản phẩm được cấu thành bởi: đơn giá nguyên phụ liệu, định mức nguyên phụ liệu và đơn giá CM (cắt + may + hoàn tất).

 

Nên với tình hìnhđơn giá NPL mỗi ngày một tăng thì việc giảm định mức nguyên phụ liệu cũng là một giải pháp để chúng ta có được mức giá cạnh tranh.

 

Giảm định mức ở đây có nghĩa là nhà máy phải sử dụng nguyên phụ liệu một cách tiết kiệm nhất, không phát sinh hao phí/lãng phí trong quá trình sản xuất.

 

Ví dụ:

Tối ưu hóa hiệu suất của sơ đồ.

Kiểm soát khổ vải thực tế để đi sơ đồ và trải vải đúng khổ.

Kiểm soát dung sai đầu bàn vải.

Triệt tiêu đầu khúc một cách hiệu quả.

Kiểm soát chỉ may ở khâu tính định mức, đặt hàng và sản xuất….

 

Yếu tố tiếp theo là thời gian giao hàng. Các bạn có biết là chu kỳ sản xuất của khách hàng đã rút ngắn từ 25 ngày xuống còn 18 ngày không? Đây cũng là chỉ số KPI khách hàng dùng để đánh giá công ty trong khả năng đáp ứng năng lực sản xuất. Điều này đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải đạt được hiệu suất lao động và năng suất, đáp ứng thời gian giao hàng đã cam kết trong hợp đồng. Năng suất lao động cao chính là chìa khóa để chúng ta đạt được 2 mục tiêu: thời gian giao hàng và tiền lương của người lao động.

 

Về các giải pháp cho tăng năng suất lao động:

 

Nghiên cứu sản phẩm từ giai đoạn phát triển: áp dụng form cữ cải tiến, trao đổi với khách hàng khi cần thiết… Hiện nay, khách hàng cũng rất quan tâm tới vấn đề này và họ đang khuyến khích nhà máy tập trung cho nghiên cứu phát triển.

 

Giảm thiểu hao phí, lãng phí trong công tác chuẩn bị và triển khai sản xuất: chuẩn bị điều kiện kỹ thuật, máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu đồng bộ, kịp thời và không bị gián đoạn do nguyên nhân chủ quan.

 

Kiểm soát, đào tạo và nâng cao kỹ năng của người lao động.

 

Tư duy cải tiến mở: nghiên cứu, áp dụng và cầu thị trong cải tiến liên tục (Continuous Improvement - CI)

 

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất: đây là một trong các nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của công ty. Như các bạn đã thấy, thời gian gần đây, công ty đã đầu tư rất lớn khi trang bị rất nhiều các thiết bị tự động hóa cho các đơn vị (máy lập trình, cắt tự động, hệ thống đóng thùng tự động ….) cùng với hệ thống phần mềm hổ trợ cho công tác quản lý sản xuất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tận dụng tối đa hiệu suất của các thiết bị này vào sản xuất. Điển hình, tôi nhận thấy, Xí nghiệp 2 đang sử dụng rất hiệu quả các thiết bị lập trình tại đơn vị mình.

 

Yếu tố tiếp theo là Chất lượng. Bạn hiểu như thế nào về chất lượng?  

 

Chất lượng, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến việc kiểm cuối chuyền hoặc kiểm final hàng thì đó chỉ là phần ngọn. Các bạn cũng biết là tất cả các khách hàng chúng ta đang sản xuất đều có bảo hành cho người tiêu dùng. Như Decathlon là 36 tháng và YYEN là 18 tháng. Khách hàng đều có các chỉ số KPI để đo lường việc này (tỉ lệ RPM của Decathlon…).

 

Vì vậy, việc kiểm soát từ gốc (làm đúng ngay từ đầu) là yêu cầu bắt buộc. Để công nhân làm đúng thì hướng dẫn của kỹ thuật phải đúng, thiết bị được điều chỉnh đạt, bán thành phẩm phải cắt đúng…. Đặc thù của ngành may là để tạo ra 1 sản phẩm cần rất nhiều người. Do đó, công tác kiểm soát của bộ phận quản lý phải thật sự sâu sát, thường xuyên, liên tục, để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và khắc phục những rủi ro chất lượng trong quá trình sản xuất.

 

Ví dụ:

Hàng có độ co rút vải nhiều => yêu cầu phải xả vải => phải kiểm soát đủ thời gian xả trước khi cắt

Lắp cữ khống chế trên máy vắt sổ => công nhân khi ráp không chém BTP => đảm bảo thông số.

 

Áp lực của thị trường, niềm tin và hạnh phúc của người lao động không cho phép chúng ta đi chậm, không cho phép chúng ta lùi bước trước những khó khăn này. Để làm được những điều trên là cả một đoạn đường dài phía trước, cần sự chung sức, đồng lòng của tập thể CBCNV Công ty CP May Phương Đông chúng ta, nhằm hướng tới cùng một mục tiêu chung.

 

Do thời gian không cho phép, tôi xin kết thúc phần trình bày tại đây và xin phép không đóng lại bài tham luận này vì đây là một đề tài mở, tôi mong chờ và tin tưởng, sẽ được đón nhận  rất nhiều những ý kiến giá trị khác từ anh/chị, vì sự phát triển bền vững doanh nghiệp, mái nhà chung cho tất cả chúng ta; vì niềm hạnh phúc mà giá trị của những lao động chân chính đã mang lại cho cuộc sống của CBCNV May Phương Đông và gia đình của họ.

 

Xin cảm ơn!

Lâm Ngữ Chinh Kha

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website