Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Luật Bảo hiểm xã hội và tương lai người lao động

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động nhằm hoàn thiện để có thể theo lộ trình đưa ra Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 thảo luận và cho ý kiến, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024. Đây được xem là một trong ít luật quan trọng nhất "quyết định" chế độ sau này của người lao động cũng như tương lai của họ.

 

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 đã qua 7 năm thực thi và đang lộ dần một số hạn chế. Hiện nay số người tham gia BHXH mới đạt trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi. Với con số này thì việc nâng tỷ lệ lên 60% vào năm 2030 quả là chuyện khá nan giải cho tất cả các bên liên quan. Không chỉ vậy, việc trốn đóng cũng như nợ BHXH bình quân trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm đang đẩy người lao động vào thế khó khăn mỗi khi thôi việc hoặc thất nghiệp. Bàn gì hay thảo luận ra sao, quyết định thế nào thì quyền lợi của người lao động được bảo đảm vẫn phải là ưu tiên hàng đầu của các luật liên quan.

 

Theo Ban soạn thảo dự luật BHXH thì mục tiêu hàng đầu của lần sửa luật này là tăng quyền lợi cho người tham gia. Trong đó, việc sửa đổi tập trung vào các nhóm chính sách lớn, gồm: xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ người tham gia và thụ hưởng BHXH gồm lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả… Tuy nhiên, điều được quan tâm nhất hiện vẫn là giảm thời gian đóng để được hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần.

 

Hai việc trên cũng là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái chiều hơn cả vì khá hệ trọng với đại đa số người lao động. Nhiều quan điểm đồng thuận với việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 10 năm để nhiều người được hưởng BHXH hơn nhưng lại vấp lo ngại lương hưu sẽ thấp! Tuy nhiên, dù thấp nhưng vẫn có cộng với các chế độ khác như bảo hiểm y tế sẽ giảm bớt gánh nặng tuổi già cho người lao động cần được xem là nhân văn cùng với đảm bảo an sinh tối thiểu. Chi trả ra sao hay thụ hưởng thế nào thì một xã hội hiện đại cũng "không thể bỏ rơi" bất kì ai, nhất là với những người ít nhiều đã cống hiến sức lao động.

 

Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước khác, tinh thần hạn chế nhận BHXH một lần khi thôi việc luôn được tính đến. Chẳng phải vì quỹ muốn "găm tiền" của người lao động nhưng rút hết sạch, chi tiêu không còn gì thì lúc không còn sức lao động ai sẽ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ? Có lẽ "tư duy" mà Nghị quyết 28 yêu cầu "Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu nhận trợ cấp một lần" cần được ủng hộ mạnh mẽ hơn từ bây giờ.

 

BHXH ổn định và nhất quán không chỉ đảm bảo "an toàn" cho cuộc sống, tương lại sau này khi người lao động hết tuổi làm việc, rơi vào cảnh thất nghiệp hay những chuyện ngặt nghèo khó lường mà còn giúp an sinh xã hội tốt đẹp hơn. Sửa Luật hài hòa giữa hiện tại và tương lai, quản lý cùng thực thi hay điều kiện thực tế phù hợp là điều mà cả cơ quan quản lý, quỹ BHXH cùng người lao động đang trông chờ bởi tương lai của họ có phần lớn trong đó.

 

Hà Phan

Nguồn: laodongcongdoan.vn

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website