Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Đa dạng các mô hình nâng cao sức khỏe cho người lao động

Cùng với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành và đất nước, nhiều năm qua các cấp Công đoàn trong hệ thống ngành Dệt May đã phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động.

 

Nhân Ngày sức khỏe Thế giới (7/4) chúng ta hãy cùng nhìn lại những mô hình hay, cách thức mới trong chăm lo sức khỏe cho NLĐ trong toàn hệ thống.

 

Nhiều chính sách cao hơn Luật định

 

Ngày 14/10/2021 Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam ký kết Thỏa ước lao động Tập thể (LĐTT) ngành lần thứ V; bản thỏa ước có hiệu lực trong 3 năm tính từ ngày 1/6/2021. Đây là chính sách khung để các doanh nghiệp trong hệ thống căn cứ thực hiện. Đến nay đã có gần 80 doanh nghiệp trong hệ thống tham gia. Trên cơ sở các điều khoản của Thỏa ước ngành, quy định của pháp luật và tình hình thực tế, 100% các doanh nghiệp xây dựng Thỏa ước LĐTT với các điều khoản cao hơn quy định, trong đó chú trọng đến xây dựng đội ngũ NLĐ dệt may có sức khỏe để lao động; đồng thời giúp NLĐ nâng cao nhận thức, sức khỏe tốt chính là "tài khoản tiết kiệm" có giá trị.

 

 Tổng Công ty May 10- CTCP có trên 5.000 CNLĐ trực tiếp sản xuất.Với mong muốn giúp NLĐ hình thành thói quen luyện tập thể dục giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật, giảm bớt những căng thẳng mệt mỏi, góp phần phòng tránh bệnh nghề nghiệp, Tổng Công ty đã đưa vào nội quy lao động, đồng thời tổ chức cho NLĐ tập thể dục giữa giờ (6 phút/ngày tương ứng 3 phút/buổi sáng, chiều). Tương tự như vậy, Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Tổng công ty May Nhà Bè- CTCP cũng thiết kế nhiều bài tập thể dục giữa giờ trên nền nhạc sinh động giúp NLĐ dễ thuộc và thư giãn...

 

 

Để hạ nhiệt trong những ngày nắng nóng, Công ty CP May Nam Định, Công ty CP Tổng Công ty May Đáp Cầu, Công ty CP May Bình Minh, Công ty CP Sợi Phú Bài.... sử dụng hệ thống làm mát theo nguyên lý tạo ra hơi nước giúp không khí sạch hơn, độ ẩm thích hợp, nhiệt độ trong nhà xưởng giảm từ 5-7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời.  Với những ngày nền nhiệt trên 35 độ, các đơn vị bổ sung đồ uống giải khát cho NLĐ như: Viên sủi, nước chanh đường đá, chè, sữa... Thay vì phải mua đá lạnh như trước kia, các đơn vị đầu tư thiết bị lọc nước, sử dụng nguồn nước lọc làm nước mát hoặc làm đá lạnh tại chỗ, tiết kiệm chi phí, tiện dụng và đảm bảo vệ sinh cho NLĐ.

 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện đã nâng mức ăn ca cho NLĐ, các đơn vị thuộc vùng I và vùng II mức ăn ca trung bình đạt 26.000 đồng/suất; các đơn vị vùng III và vùng IV đạt 23.000 đồng/suất. Mức ăn này đang cao hơn quy định và TƯLĐ tập thể ngành. Thực đơn được thay đổi thường xuyên, cân bằng và tăng định lượng đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc. Tổng Công ty Việt Thắng- CTCP phục vụ NLĐ ăn sáng miễn phí, từ tháng 03/2022, NLĐ được 2 suất ăn/tháng với mức cao hơn ngày thường từ 10 - 15 ngàn đồng; Tổng Công ty May Nhà Bè tổ chức phát đồ ăn sáng miễn phí cho CNLĐ vào các tháng cuối trong quý với mức từ 30.000 đồng-35.000 đồng/suất; Công ty CP Tiên Hưng ngoài việc giảm giờ làm cho NLĐ, bổ sung sữa tươi giữa giờ chiều, hằng ngày còn tổ chức cho NLĐ tại các tổ sản xuất, khối phòng ban (trung bình khoảng 110 NLĐ/ngày) luân phiên giải khát với chế độ đặc biệt như sinh tố, nước ép trái cây, cà phê...tại "Nhà xanh" được thiết kế và đầu tư thiết bị hiện đại, đặt giữa không gian nhiều cây xanh của doanh nghiệp giúp NLĐ thư giãn...

 

 

Lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ sẽ được thụ hưởng các chế độ đặc biệt. Công ty Cổ phần May Đức Hạnh quy định thời gian nghỉ của LĐ nữ nuôi con nhỏ là 2 giờ/ngày và hưởng nguyên lương, trong đó 60 phút/ngày theo Bộ luật lao động và 60 phút cho việc vắt trữ sữa; Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại Thành Công trang bị ghế riêng cho LĐ nữ mang thai giúp họ có tư thế thoải mái khi ngồi làm việc; Ban nữ công Công đoàn Tổng Công ty Đức Giang phối hợp với Trạm y tế lập hồ sơ theo dõi danh sách mẹ bầu, mẹ bỉm sữa của đơn vị để hỗ trợ, động viên chia sẻ, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe mẹ và bé...   

 

Người lao động dệt may chủ động chăm sóc sức khỏe cho chính mình

 

Ngoài những quy định NLĐ được thụ hưởng theo Luật định và những chính sách ưu việt của doanh nghiệp, để có một sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống; tùy thuộc vào độ tuổi, công việc và điều kiện cụ thể, cá nhân mỗi NLĐ cần có "phác đồ" chăm sóc sức khỏe cho chính mình cũng như tuyên truyền, vận động người thân cùng thực hiện càng sớm càng tốt, cụ thể:

 

Suy nghĩ tích cực; giữ tinh thần luôn vui vẻ, tránh căng thẳng.  Bố trí thời gian hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi.

 

Lựa chọn môn thể dục, thể thao yêu thích và phù hợp, duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày...Tích cực tham gia các câu lạc bộ văn nghệ thể thao do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức.

 

Ngủ đúng giờ và đủ giấc, nên ngủ vào một giờ cố định mỗi ngày kể cả ngày nghỉ cuối tuần; dành thời gian từ 20-40 phút cho ngủ trưa.

 

Chế độ ăn uống hợp lý; uống nhiều nước, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế dùng đồ ăn nhanh, chất béo bão hoà, các chế phẩm từ dầu mỡ...

 

Nói không với chất kích thích, nồng độ cồn như thuốc lá, bia, rượu...

 

Khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm giúp phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe để có cơ hội điều trị và chữa bệnh tốt hơn.  Khi sức khỏe có dấu hiệu suy giảm cần báo cáo với lãnh đạo và Ban chấp hành Công đoàn để xem xét bố trí công việc phù hợp.

 

Thực hiện nghiêm túc về an toàn vệ sinh lao động nhất là khi làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Bố trí công việc, thời gian hợp lý để nghỉ phép năm theo quy định giúp tái tạo sức lao động.

 

 

Ngày sức khỏe Thế giới 7/4 vì một cộng đồng khỏe mạnh

 

Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn ngày 7 tháng 4 hàng năm là Ngày sức khỏe Thế giới nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe. Mỗi năm một chủ đề, truyền đi thông điệp kêu gọi cộng đồng bằng việc làm ý nghĩa như bảo vệ môi trường, thiết lập quỹ chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật....nhằm chia sẻ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương góp phần xây dựng xã hội phát triển, tiến bộ.

 

Tại Việt Nam, mặc dù ngày này chưa được phổ biến và người dân quan tâm nhưng Đảng, Nhà nước đã hết sức coi trọng thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách: Điều 29, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định trẻ em, phụ nữ có thai được tiêm chủng miễn phí theo Chương trình tiêm chủng mở rộng;  Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động nhấn mạnh,  người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ 01 lần/năm và 02 lần/năm đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản; Luật Bảo hiểm y tế 2014 nêu rõ 13 đối tượng, trong đó người thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí (theo danh mục); Khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, nhiều chính sách quan tâm đến sức khỏe người dân được triển khai kịp thời từ điều trị, cách ly, xét nghiệm đến tiêm vacine miễn phí...

 

Đặc biệt, ngày 2/9/22018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam, thực hiện từ năm 2018 đến năm 2030. Theo đó, chương trình tâp trung vào các lĩnh vực: Nâng cao sức khỏe: Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực; Bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: Chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; Chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: Phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và NLĐ...

 

 

                                                                                           Nguyễn Thị Thủy

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website