Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Những điểm mới quan trọng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Luật KBCB) (sửa đổi) gồm 12 chương và 121 Điều vừa được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều nội dung mới, quan trọng và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Luật KBCB (sửa đổi) đặt mục tiêu chính là lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, các điểm mới quan trọng của Luật KBCB sửa đổi chính là hướng tới đối tượng hưởng lợi là người dân, cụ thể như sau:

 

1. Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề

 

Để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật KBCB sửa đổi quy định mở rộng đối tượng hành nghề - thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Đồng thời, Luật KBCB sửa đổi thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Quy định này bảo đảm mục tiêu người hành nghề đủ khả năng để thực hiện việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh một cách an toàn, hiệu quả. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu sử dụng nhân lực trong thực tiễn.

 

Bên cạnh đó, Luật KBCB sửa đổi quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Đây là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng của người hành nghề. Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn y tế để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề cũng như phải chứng minh mình còn đủ sức khỏe để hành nghề tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề.

 

Đồng thời, về quy định ngôn ngữ cho người nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam dù không phải quy định mới nhưng Luật KBCB sửa đổi lần này quy định bắt buộc người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp luật quy định cụ thể có thể sử dụng ngôn ngữ khác tiếng Việt để khám, chữa bệnh cho người bệnh nhưng phải có người phiên dịch và Chính phủ quy định tiêu chuẩn của người phiên dịch.

 

2. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

 

Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật KBCB sửa đổi bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh, và quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

 

 

 

3. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

 

Luật KBCB sửa đổi có một điểm mới rất quan trọng là thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn (tuyến trung ương; tuyến tỉnh; tuyến huyện và tuyến xã) thành 3 cấp chuyên môn (khám, chữa bệnh ban đầu; khám, chữa bệnh cơ bản và khám, chữa bệnh chuyên sâu). Thay đổi này sẽ mang đến các lợi ích như: Tối ưu hóa việc đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch; tránh dàn trải, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chuyên môn trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cụ thể là những kỹ thuật cơ bản, mang tính phổ biến phải được cung ứng dịch vụ ngay tại cấp cơ bản và cấp ban đầu. Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng mà còn làm tăng khả năng tiếp cận của người dân ngay trên địa bàn, hạn chế phải chuyển lên bệnh viện tuyến cuối gây tốn kém và quá tải bệnh viện tuyến cuối. Việc chia thành 3 cấp chuyên môn cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật, thực hiện KBCB từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ KBCB, bảo hiểm y tế sẽ từng bước chuẩn hóa chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở; Bên cạnh đó, việc chia thành 3 cấp chuyên môn sẽ khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện như: nhiều bệnh viện hạng 2 (chủ yếu tuyến huyện) đã thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật của tuyến tỉnh; hoặc một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được dịch vụ kỹ thuật của tuyến trung ương... nhưng không được nâng hạng hay như bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa năng lực kỹ thuật có khi thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên...

 

Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KBCB cho người dân, Luật sửa đổi cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ; Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.

 

Đồng thời, quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây là quy định mang lại  nhiều lợi ích cho người dân  như việc kết nối liên thông đơn thuốc, bệnh án điện tử, không chỉ bệnh viện biết với nhau mà cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng sẽ nắm. Từ đó việc khám, kê toa điều trị của các bác sĩ cũng sẽ rất kỹ và cân nhắc để phù hợp với chẩn đoán. Bên cạnh đó, người dân đi khám bệnh không phải lưu trữ quá nhiều giấy tờ, không phải lo lắng khi làm mất các kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, không phải làm lại các xét nghiệm khi chuyển tuyến/chuyển cơ sở KBCB...Đồng thời, việc triển khai hệ thống thông tin quản lý về hoạt động KBCB, giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ cho công tác dự báo, hoạch định chính sách về chăm sóc sức khỏe người dân. 

 

4. Phát triển khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với một số chuyên ngành đặc thù đang thiếu nhân lực

 

Luật KBCB sửa đổi dành chương VI quy định về KBCB bằng y học cổ truyền, trong đó quy định "phát triển" thay vì "khuyến khích" kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại như quy định tại Luật KBCB năm 2009 và có quy định về phát triển nguồn nhân lực phục vụ KBCB bằng y học cổ truyền.

 

Điểm mới trong quy định về điều kiện đảm bảo chuyên môn kỹ thuật trong đào tạo và bồi dưỡng người hành nghề là có chính sách khuyến khích, động viên và hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước và hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tương ứng với mức quy định tại cơ sở đào tạo của nhà nước nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

 

5. Bổ sung một số quy định về tài chính

 

Các cơ sở KBCB nhà nước được tự chủ nhân lực và giá dịch vụ theo yêu cầu là một nội dung quan trọng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tạo điều kiện cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tăng thêm quyền để tạo ra các dịch vụ có chất lượng cao hơn. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu của người bệnh với mức chi phí phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển và có cơ hội mở rộng thêm dịch vụ gia tăng cho người bệnh.

 

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định, cơ sở KBCB được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế. Luật cũng quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ KBCB đối với cơ sở KBCB của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định.

 

Có thể thấy rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website