Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật cho người lao động

Những năm gần đây, các cuộc ngừng việc tập thể của người lao động (NLĐ) trong cả nước có xu hướng giảm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng từ các tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại các doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2020 cả nước có 126 cuộc ngừng việc tập thể, cao hơn 7 cuộc so với năm 2019. Nguyên nhân của các vụ ngừng việc chủ yếu xuất phát từ tranh chấp về lợi ích, tranh chấp về quyền, tập trung vào các nội dung về trả lương, trả thưởng, thưởng tết, đóng BHXH, chất lượng bữa ăn ca… Việc xung đột trong quan hệ lao động dẫn đến lãn công, đình công đã gây ra thiệt hại không nhỏ về lợi ích kinh tế, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả công nhân, NLĐ và để lại những tác động xấu trong xã hội.  Do đó, việc tuyên truyền pháp luật giúp NLĐ hiểu và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ lao động của mình; từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật; tạo môi trường lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 

Những khó khăn, hạn chế

 

Tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam trong những năm vừa qua không xảy ra tình trạng ngừng việc, lãn công, đình công nhưng vẫn còn có một số những vi phạm pháp luật, chính sách lao động cả từ phía người sử dụng lao động và NLĐ. Mặc dù, công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật cho NLĐ trong ngành đã được chú trọng và sáng tạo đổi mới với nhiều hình thức đa dạng từ cấp ngành tới cấp công đoàn cơ sở song hoạt động này còn gặp không ít khó khăn, khiến mục đích, hiệu quả tuyên truyền pháp luật vẫn chưa cao.

 

Thứ nhất, trình độ nhận thức của NLĐ ở các doanh nghiệp rất không đồng đều. Đây là một trong những lý do khiến việc chuyển tải kiến thức pháp luật đến NLĐ còn nhiều hạn chế. Trong các doanh nghiệp dệt may, phần đông NLĐ là lao động phổ thông, tuổi đời còn trẻ, trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn thấp.  Ở một số doanh nghiệp, NLĐ cũng chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, tìm hiểu về pháp luật lao động, chưa tích cực tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật dẫn đến hạn chế trong việc tuân thủ, sử dụng, bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

 

Thứ hai, về phía doanh nghiệp, do đặc thù sản xuất dây chuyền, thực hiện tiến độ theo đơn hàng nên khó bố trí thời gian cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật vì phải ưu tiên cho sản xuất. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới chỉ chú trọng nhiều ở các doanh nghiệp vừa và lớn, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế. 

 

Thứ ba, đối với tổ chức công đoàn tại cơ sở, đội ngũ cán bộ có kiến thức pháp luật chuyên sâu  làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn mỏng, lại làm kiêm nhiệm và biến động do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp nên việc tuyên truyền pháp luật chưa thường xuyên, liên tục. Nguồn kinh phí cho hoạt động và điều kiện để tổ chức hoạt động tuyên truyền của tổ chức công đoàn rất khó khăn. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ hiện nay mới chỉ tập trung vào nội dung các quy định mà chưa nhấn mạnh, chưa tập trung sâu để hình thành tư duy, nhận thức của NLĐ về ý thức tích cực, chủ động và lợi ích lâu dài, bền vững trong thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

 

Một buổi tập huấn về chính sách pháp luật tại cơ sở

 

Đề xuất giải pháp

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay thì đối với NLĐ ngành dệt may cùng với việc nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc rất cần trang bị tốt kiến thức pháp luật để chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do đó, việc nâng cao hiệu quả và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật tại cơ sở là hết sức cần thiết để bảo đảm khả năng tiếp cận pháp luật cho NLĐ.

 

Để làm được điều này, cần phải có vai trò tham gia của cả ba bên: doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và NLĐ với các giải pháp như sau:

 

1)  Đối với doanh nghiệp:

 

- Xác định rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho NLĐ; Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không tách rời với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống cho NLĐ;

 

-  Hợp tác chặt chẽ với tổ chức công đoàn, tạo điều kiện về thời gian, địa điểm và đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền; 

 

- Thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng cho NLĐ tinh thần, tác phong công nghiệp. Điều này phải được thực hiện ngay từ khâu tuyển dụng lao động. Ngoài thông tin cần thiết như: yêu cầu công việc, mức lương, chế độ chính sách liên quan đến NLĐ, doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng cho NLĐ về nội quy, quy chế, hình thức xử phạt khi NLĐ vi phạm kỷ luật, HĐLĐ....;

 

- Tăng cường đối thoại để đưa ra các chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng... giúp NLĐ nâng cao ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 

2) Tổ chức công đoàn:

 

Là nơi tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, đồng thời, truyền đạt chủ trương, chính sách của nhà nước, của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuyết phục nhất, tổ chức công đoàn cần tập trung các nhiệm vụ sau:

 

- Nội dung tuyên truyền cần được lựa chọn kỹ trong các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động,… sao cho liên quan trực tiếp đến NLĐ. Nội dung cần tập trung chuyên sâu vể các giá trị, lợi ích lâu dài cho chính NLĐ khi hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Đồng thời, hình thức cần ngắn gọn, đơn giản và liều lượng kiến thức phải phù hợp; cần lựa chọn theo nguyên tắc ưu tiên, cái gì cần thiết nhất cho nhóm đối tượng nào thì phổ biến trước, cái gì chưa cần ngay thì để sau;

 

- Lựa chọn và sử dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với điều kiện đặc thù loại hình doanh nghiệp của mình;

 

- Cần chủ động thương lượng, đàm phán với NSDLĐ đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nội dung thỏa ước lao động tập thể; bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và thời gian để hoạt động này diễn ra hiệu quả;

 

- Cần chú trọng tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở doanh nghiệp am hiểu sâu về pháp luật chuyên ngành, có ngoại ngữ, có kỹ năng và nghiệp vụ tuyên truyền tốt;

 

- Thiết lập các tổ tư vấn pháp luật, tư vấn xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, tăng cường trao đổi với NLĐ ngay tại nơi làm việc, tiếp thu và xem xét những vướng mắc của họ về chế độ chính sách, kịp thời giải đáp, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, có biện pháp giải quyết ngay tại cơ sở.  

 

3) Đối với NLĐ:

 

Khi có hiểu biết và ý thức thực hiện pháp luật, NLĐ sẽ từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình và hạn chế xung đột trong mối quan hệ với NSDLĐ. Do đó, bản thân mỗi NLĐ cần phải:

 

- Chủ động rèn luyện tác phong làm việc, tự giác chấp hành kỷ luật lao động. NLĐ không chỉ cần có thái độ chủ động, tích cực trong học tập, bồi dưỡng nâng cao tay nghề mà còn phải chủ động, tích cực trong tìm hiểu các quy định pháp luật, tìm hiểu cách thức để thực hiện các quy định có một cách hiệu quả.

 

- Chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền, các cuộc thi về pháp luật do doanh nghiệp, công đoàn các cấp và địa phương tổ chức;

 

-  Kiên trì, quyết tâm thực hiện các hành vi đúng đắn, phù hợp với pháp luật lao động và rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay.

 

Bích Trần

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website