Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Cội nguồn gốc rễ - Tình cảm thiêng liêng của mỗi người

"Con người có tổ, có tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn"

 

Câu ca dao vốn rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam, phản ánh đúng đạo lí sống của nhân dân ta qua hàng nghìn năm với 2 vế so sánh dễ hiểu và ý nghĩa: Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải "có tổ, có tông", có "nguồn cội gốc rễ" thì mới được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong cuộc đời. Bởi vậy lòng biết ơn đối với cội nguồn chính là tình cảm thiêng liêng và là động lực quan trọng nhất để mỗi người vun vén, xây đắp.  

 

 

Đầu tiên là "nguồn cội dân tộc". Hằng năm, đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, mỗi người dân Việt Nam lại hướng về đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ những vị vua khai quốc mở cõi. Còn mãi trong chúng ta là truyền thuyết về nguồn gốc giống nòi "con rồng cháu tiên" khi Lạc Long Quân giống Rồng, gặp Âu cơ giống Tiên, lấy nhau và nàng Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, sau đó, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng.

 

Qua bao lớp sóng thời gian, giữa bao biến thiên của lịch sử, thời cuộc và thiên tai, một dân tộc nhỏ bé đã chiến thắng bao kẻ thù ngoại xâm để bảo vệ "cơ đồ mà tổ tiên để lại". Bốn nghìn năm qua, chúng ta đã phải đương đầu với hàng chục đạo quân xâm lược hung hãn như Hán,Tống, Minh, Thanh rồi thực dân Pháp, đế quốc Mĩ. Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống để bảo vệ chủ quyền tự do, độc lập cho Tổ quốc. Thế hệ hôm nay, mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ và khắc sâu những công lao, hy sinh mất mát ấy, coi đó là niềm tin, động lực để chúng ta tiếp bước ông cha trong gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

 

Bên cạnh "nguồn cội dân tộc", mỗi chúng ta đều có riêng cho mình "nguồn cội gia đình". Có thể nói gia đình chính là chiếc nôi đầu đời, nơi sinh thành và dưỡng dục, hình thành nhân cách của mỗi người; để từ đó, mỗi chúng ta khôn lớn trưởng thành dựa trên truyền thống và những vốn quý mà ông bà tổ tiên để lại. Mỗi dòng họ, gia đình đều có những hoàn cảnh khác nhau song điểm chung chính là mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho thế hệ sau. Ông bà ta đã nỗ lực, cơ cực vất cả cuộc đời cũng chỉ mong con cháu mình được học hành đầy đủ, có công ăn việc làm, ấm no, sung túc. Vì thế mỗi chúng ta hãy luôn tự hào về nguồn gốc gia đình mình, biết ơn ông bà cha mẹ, từ đó hãy quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho tình cảm gia đình, cùng phát huy những giá trị tốt đẹp ấy để tiếp nối truyền thống gia đình Việt Nam. 

 

Và cũng giống như nhiều ngành khác, CNLĐ ngành Dệt May Việt Nam cũng có thêm cho mình "nguồn cội nghề nghiệp". Chúng ta có sự tích về Bà tổ nghề May Nguyễn Thị Sen, vốn là tứ phi Hoàng hậu nhà Đinh, vợ của vua Đinh Tiên Hoàng. Theo tích kể lại, Bà là một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, được kết duyên cùng đức Vua khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt. Với sự khéo léo và sáng tạo, trong cung, Bà đã giúp các cung nữ theo đuổi nghề may. Sau khi Vua mất, Bà đã trở về quê hương truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng. Khi mất Bà được lập đền thờ và tôn làm Bà tổ nghề may áo dài truyền thống. Từ đó ngày 12-12 âm lịch hàng năm được coi là ngày giỗ tổ ngành May. Để ghi nhớ công lao của Bà, đồng thời tôn vinh giá trị truyền thống của các thế hệ phụ nữ Dệt May, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã lấy tên Nguyễn Thị Sen làm tên giải thưởng thường niên trao tặng những nữ CBCNVLĐ có thành tích đặc biệt xuất sắc.

 

Giải thưởng Nguyễn Thị Sen

 

Là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhất của Việt Nam với lịch sử 132 năm, ngành dệt may luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong sự lớn mạnh của đất nước, dù thời chiến hay thời bình, Dệt May luôn giữ một vai trò quan trọng, đóng góp sức người sức của, tạo công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu mặc của xã hội, đem lại nguồn kim ngạch xuất khẩu lớn cho đất nước. Từ vị trí một ngành sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu chỉ với 504 triệu USD năm 1999, đến năm 2019, con số này đã đạt 39 tỷ USD, vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu Dệt May lớn thứ ba thế giới. Với những đóng góp đó, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 798/QĐ-TTg về việc chọn ngày 25/3 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam; đặc biệt, Vinatex đã vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, là 1 trong 12 tập thể được vinh danh tại Chương trình "Vinh quang Việt Nam năm 2017" với chủ đề "Dấu ấn 30 năm đổi mới". Chúng ta cũng đã có 20 cá nhân tiêu biểu, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động qua các thời kỳ, và còn rất nhiều những tập thể/cá nhân đã và đang chung tay xây dựng mái nhà chung - một ngành Dệt May Việt Nam phát triển bền vững.

 

Trong hành trình đi tới tương lai, mỗi người dệt may hãy luôn nhớ, luôn yêu cội nguồn gốc rễ của dân tộc với dấu chân Long Quân xuống biển, dấu chân Âu Cơ lên non, khai thiên lập địa, mở mang bờ cõi; chúng ta hãy luôn ghi nhớ công đức Tổ nghề và những truyền thống của ngành đã được gây dựng qua nhiều thế hệ, để thêm trân quý, thêm tự hào, thêm trọng trách gìn giữ và phát huy những giá trị của Việt Nam, của Dệt May trong thời đại mới; và hãy luôn vun đắp cho tình cảm gia đình, dòng tộc, bởi đó chính là máu thịt, là điều thiêng liêng trong mỗi chúng ta.

 

VH

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website