Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Đồng hành cùng con bước vào thế giới nghề nghiệp

>>> Xem thêm: Những điểm đáng chú ý trong Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT


 

Hướng nghiệp luôn là một điều rất quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của mỗi người ở độ tuổi trưởng thành. Vì thế, để chọn lựa được hướng đi chuẩn xác là một cuộc hành trình dài mà trong hành trình đó, không chỉ có dấu chân độc hành của riêng con trẻ mà còn phải có sự đồng hành và hỗ trợ của cha mẹ.

 

Hiện nay với sự phát triển chóng mặt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, những ngành nghề mới xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này vừa là cơ hội cũng là thách thức không nhỏ đối với các con trong việc chọn lựa nghề nghiệp. Ngay cả cha mẹ - những người đi trước cũng không thể nào hiểu rõ hết những nghề nghiệp mới. Để có thể cùng con và bắt kịp những xu hướng nghề nghiệp hiện đại, cha mẹ cũng phải là những người tìm hiểu và học hỏi cùng con.

 

 

Cha mẹ nên định hướng nghề nghiệp cho con từ sớm

 

Việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai của các con nên bắt đầu ngay từ năm 10 tuổi. Đây là lứa tuổi trẻ bắt đầu hình thành tính cách rõ rệt và là thời điểm vàng để khám phá, tìm hiểu bản thân để từ đó có định hướng phù hợp. Việc định hướng sớm từ giai đoạn này sẽ thúc đẩy cha mẹ tạo điều kiện để trẻ được trải nghiệm môi trường và trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan tới nghề nghiệp từ sớm.

 

Thông qua việc gần gũi, chăm sóc, quan sát, trò chuyện với con, cha mẹ sẽ nắm bắt được những tố chất, điểm mạnh, điểm yếu, tính cách và khả năng học tập của con, ví dụ như tố chất sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, vẽ đẹp hoặc toán học, hình học không gian hay khả năng ngôn ngữ, giao tiếp tốt…Nắm rõ những đặc điểm này của con sẽ giúp cha mẹ nuôi dưỡng con theo thế mạnh tự nhiên. Việc tìm hiểu sở thích, khả năng của con phải được tiến hành một cách kiên trì, không thể nóng vội mà cần đồng hành cùng con mỗi giai đoạn phát triển để khả năng của con dần bộc lộ. Hướng nghiệp cho con chính là giúp đỡ con lựa chọn được ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của con.

 

Không nên áp đặt mà hãy lắng nghe nguyện vọng và cùng con tìm hiểu sở thích, điểm mạnh

 

Cha mẹ không nên áp đặt sở thích, tham vọng của bản thân vào quá trình định hướng cho trẻ. Lắng nghe tâm sự của con là cách đơn giản nhất để cha mẹ có thể biết được con thích gì và muốn gì. Muốn cuộc trò chuyện với con đạt hiệu quả tốt hơn, cha mẹ cần tạo bầu không khí gần gũi, thoải mái nhằm rút ngắn khoảng cách giữa hai bên. Ví dụ trò chuyện với con trên đường đến trường và về nhà, lúc gia đình quây quần trò chuyện sau bữa tối, hoặc các ngày cuối tuần gia đình tổ chức đi chơi dã ngoại…

 

Thực tế hiện nay, có rất nhiều bậc cha mẹ thường quên hoặc bỏ qua việc tìm hiểu sở thích và năng lực của con cái. Họ không hiểu rõ con mình có thể làm được gì và không làm được gì. Từ đó, hướng con vào những nghề nghiệp không phù hợp hoặc những công việc có ít hay rất ít cơ hội để con phát triển. Cha mẹ cần luôn tự đặt ra câu hỏi rằng "Chọn nghề cho con hay chọn nghề cho cha mẹ?". Và liệu rằng con mình có hứng thú với nghề mà cha mẹ đã chọn? Con mình có khả năng hay có cơ hội phát triển với nghề mà cha mẹ kỳ vọng hay không?

 

Bên cạnh đó, cha mẹ cần nhận thức rằng đại học không phải là con đường duy nhất. Cha mẹ không nhất thiết phải bắt ép con trẻ bằng mọi cách phải vào được đại học, tạo nên áp lực, sức ép mỗi mùa thi đến.

 

Tạo điều kiện để con được trải nghiệm 

 

Kinh nghiệm thực tiễn được đánh giá là yếu tố giúp các con có cái nhìn sâu hơn về lĩnh vực mà mình quan tâm. Đừng chỉ giới hạn thời gian học và các môn học của con tại trường. Tiếp cận môi trường thực tế sẽ giúp con hiểu rõ hơn về ngành nghề mà mình yêu thích hay sẽ gắn bó trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, các môn năng khiếu, các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp hoặc cùng con tìm hiểu về các ngành nghề, gặp gỡ tiếp xúc với những người làm nghề nghiệp mà con quan tâm hoặc yêu thích…

 

Một số nội dung cha mẹ có con năm nay thi tốt nghiệp THTP cần lưu ý

 

Để đồng hành cùng con trong lựa chọn ngành học và hướng đi sau khi tốt nghiệp, các cha mẹ cần lưu ý thực hiện một số nội dung sau:

 

Một là, cha mẹ và con cùng trao đổi, xem xét các yếu tố liên quan đến điểm mạnh, điểm yếu của con, những năng lực nổi trội và đặc biệt là học lực của con (tỷ lệ % chắc chắn sẽ đậu tốt THPT là bao nhiêu, các môn học nào tốt nhất, các môn năng khiếu, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…). Điều này sẽ giúp cho cha mẹ và con đặt mục tiêu vào đại học, cao đẳng, học nghề…Đồng thời, cha mẹ và con cần nói chuyện với nhau về kinh tế gia đình cho phép con học tới đâu, học ở nơi nào? (tức là khả năng cho phép tìm trường với học phí bao nhiêu? Sinh hoạt phí 1 tháng thế nào? Có được học ở tỉnh/thành khác không? Các phương án để giải quyết việc học xa nhà là gì? ....)

 

Hai là, cha mẹ cùng con để tìm hiểu thị trường lao động, các ngành nghề. Với mỗi một nghề, tên nghề chưa phản ánh đầy đủ công việc trong thực tế nên việc tìm hiểu chi tiết hơn về tính chất bên trong của công việc sẽ giúp xác định được liệu nghề đó có phù hợp với bản thân không. Thông thường việc tìm hiểu cụ thể về nghề có thể thực hiện bằng: Tìm hiểu qua các kênh thông tin; Tìm hiểu qua người đang làm nghề đó và tìm hiểu qua trải nghiệm bản thân.

 

Ba là, tìm hiểu thị trường đào tạo, ngành học và cơ sở đào tạo. Khi tìm hiểu về ngành học cần lưu ý mỗi ngành học có thông tin "Mô tả nghề" "Năng lực thiết yếu," "Năng lực bổ sung," "Học vấn tối thiểu," "Con đường học tập," "Lĩnh vực chuyên sâu." "Các môn học sẽ học tại trường"… Với mỗi ngành học cần tìm hiểu được đào tạo ở các trường nào? Học ngành này ở trường nào tốt? Điểm tuyền sinh 3 năm gần đây của ngành và mỗi trường như thế nào? Học phí của trường ra sao?…

 

Bốn là, cha mẹ và con cùng nhau xem xét thật kỹ hướng đi sau THPT dựa trên năng lực, điều kiện gia đình và sở thích nghề nghiệp để xây dựng các phương án. Cha mẹ và con hãy dành thời gian ngồi lại để lắng nghe con chia sẻ các nguyện vọng của mình, cha/mẹ chia sẻ với con có thể hỗ trợ cho con những gì… Sau khi có những phương án lựa chọn, cha mẹ và con cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ quy chế tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp trên các trang thông tin tuyển sinh chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp mà gia đình đang quan tâm để nắm rõ được các phương thức xét tuyển, phương án tuyển sinh, thời hạn nộp hồ sơ, các loại hồ sơ, cách thức nộp hồ sơ, cách thức tính điểm xét tuyển (mỗi trường có cách tính điểm xét tuyển khác nhau)… để có thể tăng cơ hội trúng tuyển.

 

Trong hành trình định hướng nghề nghiệp, cha mẹ và con không nên chạy theo học các ngành đang nổi , đang có nhiều người lựa chọn mà nên học ngành nào phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhu cầu tuyển dụng có thể thay đổi, nghĩa rằng ngành đang "hot" cũng có thể thay đổi sau 1, 2 năm, nhưng sở thích và khả năng của mỗi cá nhân, nếu biết rõ thì sẽ vững vàng. Lúc ấy, dù nhu cầu của thị trường tuyển dụng có thay đổi, vẫn có thể uyển chuyển  đáp ứng với nhu cầu mới sau này khi giỏi chuyên môn một ngành nào đó và có những năng lực hành nghề (bao gồm thái độ, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng con người, và kiến thức). Khi học một ngành chỉ vì cha mẹ muốn con học, vì ngành đó đang nổi tiềng hay vì lý do khác không xuất phát từ  khả năng, sở thích và lựa chọn của con có thể  khiến con chán nản, không có động cơ học tập tích cực, dẫn đến nguy cơ bỏ giữa chừng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

 

Định hướng nghề nghiệp cho tương lai nên là một quá trình có xuất phát điểm sớm thay vì chỉ là một quyết định vội trước kỳ thi quan trọng. Quá trình định hướng cho con sẽ không quá khó khăn, vất vả nếu như cha mẹ và con lắng nghe nhau hơn và có phương pháp tiếp cận phù hợp. Vì vậy cha mẹ cần:

 

- Cùng con tìm hiểu về hướng nghiệp để con bắt đầu suy nghĩ về nghề nghiệp và tìm hiểu bản thân sớm (càng sớm càng tốt).

 

-  Giúp con hiểu rằng quá trình hướng nghiệp cần sự kiên trì và kiên nhẫn. Con nên học cách sống và trân trọng sự phát triển nho nhỏ trong khoảnh khắc hiện tại hơn là luôn đòi hỏi một kết quả tốt thật lớn ngay lập tức.

 

Quá trình chọn nghề cho con sẽ không quá khó khăn, vất vả nếu như cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn và cùng có chung tiếng nói Hướng nghiệp.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website